Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Một câu hỏi đầu tuần cho riêng tôi

 

Liệu tôi có nên mất thời gian cho vụ “cải tiến” chữ viết Việt hỗm rày đang rần rần trên các thể loại truyền thông?

Tôi có thể trả lời ngay từ trường hợp của mình thôi: chung quanh còn quá nhiều chuyện bức xúc khác mà chúng ta cần quan tâm. Có thể chúng ta không giải quyết được, nhưng ít ra chúng ta cũng cần biết và trong chừng mực nào đó có thể nêu ý kiến của mình. Cho nên tôi cần tỉnh táo, tránh bị lôi kéo cho xao lãng hay bị dẫn dắt theo một ủ mưu nào đó.

Thú thiệt, tôi có cảm giác là giới truyền thông của chúng ta có phần quá lố. Ngay cả nhiều tờ báo lớn và có đông bạn đọc cũng không cưỡng nổi mình chạy theo cuộc đua không chịu thua kém các đối thủ. Lẽ ra, nếu cần thì đưa tin ngắn rồi thôi. Đâu cần phải huy động cả lực lượng hùng hậu với đủ mọi thể loại cho cái vụ này.

Bởi lẽ, đây chỉ là một nghiên cứu mang tính cá nhân và chỉ mới được tác giả đưa ra tại một hội thảo chuyên môn, mà chính tác giả cũng thừa nhận nó mới chỉ đạt một nửa.

Tôi thiển nghĩ: Tiếng Việt mà chúng ta đang sử dụng là một loại sinh ngữ. Ngôn ngữ muốn sống thì phải đang hoạt động và luôn được cải tiến cho ngày một hoàn thiện hơn. Tôi nhấn mạnh là “cải tiến cho ngày một hoàn thiện hơn” chứ một sinh ngữ thì không thể có điểm dừng gọi là hoàn thiện.

Tiếng Việt và chữ viết Việt cần liên tục hoàn thiện và bổ sung. Nhưng hoàn toàn không phải phá toàn bộ cái nhà cũ đã có hơn 400 năm tồn tại và đang sống ổn để xây lại một cái nhà hoàn toàn mới mà ngay tới những người cả thế kỷ đang sống trong ngôi nhà đó cũng không nhận ra được ngôi nhà của mình.

Thực tế thì trong hơn 400 năm phát triển, tiếng Việt vẫn liên tục được bổ sung những từ mới, nghĩa mới của những từ cũ. Chỉ có điều, sự bổ sung này là tự thân vận hành do xã hội điều chỉnh chứ không do những cơ quan chính thức xử lý. Và không hề có chuyện xóa sổ một hệ chữ Việt đang tồn tại để bắt đầu vỡ lòng như vừa thành lập một dân tộc mới.

Đây là chuyện bình thường trong bất cứ ngôn ngữ nào. Hàng năm từ điển Oxford vẫn công bố những từ mới được bổ sung vào bộ từ điển tiếng Anh nổi tiếng toàn cầu này. Từ “banh mi” được bổ sung vào từ điển Oxford năm 2011 thay vì “mixed bread”. Trong từ điển Oxford cũng đã có những từ du nhập từ tiếng Việt như “aodai”, “pho”,… Từ điển tiếng Anh nổi tiếng của Mỹ Merriam-Webster năm 2014 cũng bổ sung thêm từ “Pho” (phở) trong số 150 từ mới trong từ vựng của mình.

Tôi và con cháu mình mang nặng ơn Giáo sĩ Alexandre de Rhodes và các cộng sự đã giúp tôi thoát khỏi cảnh giờ đây phải ngồi viết bằng ngôn ngữ tượng hình. (Nguồn: Internet. Thanks)

Tôi cũng thiển nghĩ, nhà khoa học và nhà nghiên cứu có nhiệm vụ và quyền nghiên cứu trong lĩnh vực của mình, cho dù có điên khùng cỡ nào. Nhưng cái mà người ấy nghiên cứu lại phản ánh người đó như thế nào.

Và trước kia nhiều thập kỷ, thậm chí gần thế kỷ, cũng đã có những công trình mong muốn chỉnh lý chữ Việt mà đều không thành công. Duy có học giả Nguyễn Văn Vĩnh hồi cuối thập niên 1920 đã đưa ra cách viết chữ Việt không cần dùng các dấu thanh mà sau này được ngành bưu điện ứng dụng trong việc đánh điện tín (hồi xưa gọi là đánh dây thép) và cho tới nay vẫn được dùng để gõ tiếng Việt theo bộ gõ TELEX. Nhưng cũng chỉ dừng ở đó rồi thôi.

Khi cho ra đời tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Bắc kỳ là Đăng cổ Tùng báo, ngay số đầu tiên ngày 28-3-1907 ở Hà Nội, ông Nguyễn Văn Vĩnh tâm sự: “…Nước Nam xưa nay vẫn có tiếng nói, mà tiếng Annam lại hay được một điều là cả nước nói có một thứ tiếng, chữ Mán, Mọi ở nơi rừng núi không kể. Nhưng vốn chỉ có tiếng nói, không có chữ viết, đến khi học chữ Tàu rồi mới lấy chữ Tàu ghép ra thành một lối riêng, gọi là chữ Nôm. Chữ Nôm tuy viết quấy quá cũng thành ra giạng chữ, nhưng không có mẹo mực gì, ai muốn viết thế nào thì viết, thường phải cao đoán mới đọc được thông…Bây giờ nhờ có người phương Tây đến, bày ra chữ Quốc ngữ, chắp vần theo như chữ các nước phương Tây; có mẹo mực, ba là ba, bốn là bốn, không thể sai được mà học dễ biết là bao nhiêu! Sáng ý thì chỉ vài ngày, ngu đần thì trong một tháng cũng phải thông…”.

Cái ý của vị tiến sĩ mới được cộng đồng mạng tặng gạch đá một cách hào phóng có lẽ chỉ vài ngày đã đủ để xây biệt phủ, rằng chữ Việt vẫn còn cần được hoàn chỉnh, theo tôi, là đúng. Ý muốn của ông góp phần cải tiến chữ Việt cũng là tốt. Nhưng cách làm của ông thì lại là chuyện khác. Tôi cũng không thể tin những gì mà ông thừa nhận là chưa hoàn chỉnh này lại được dày công nghiên cứu trong 20 năm. Phải chăng bởi nó chông chênh ngay từ đầu nên cứ phải “chửa trâu” như thế? Phải chăng cần phải có bề dày thời gian như vậy để chứng minh cho mọi người thấy đó là một công trình nghiêm túc mang nặng đẻ đau? Chớ như tôi mà nói với ý tưởng như thế, chỉ cần một buổi hay cao tay một ngày là xong thì giống như đùa quá.

Thú thiệt, qua những gì mà vị tiến sĩ này trình bày, tôi đồng tình với một số bạn rằng thực tế nghiên cứu này đã trượt khỏi mục đích nêu ra là cải tiến chữ Việt mà chính xác là muốn thay đổi chữ Việt. Cải tiến và thay đổi là hai phạm trù khác hẳn nhau.

Tuy nhiên, do đây chỉ là một công trình tự nghiên cứu của một cá nhân và bị lộ ra công khai rộng rãi có lẽ ngoài mong muốn, ta hãy để nó trong vòng giới nghiên cứu chuyên ngành tham khảo và có ý kiến. Bản thân tác giả cũng khẳng định mình chưa công bố mà cũng chẳng đề xuất, kiến nghị chi ráo.

Vậy hà cớ gì mà ta lại rần rần lên, manh động, thậm chí làm kinh động tới mức trở thành tin tức trên báo chí thế giới?

Và điều quan trọng nhất, trong nghiên cứu khoa học, việc phản biện là cần thiết và bình thường. Nhưng chỉ vì mình không thích, thấy chướng mắt mà công kích, dùng những lời lẽ thiếu chừng mực, thì tôi e rằng mình hơi buông thả mình. Tranh luận, đồng tình hay phản đối cũng phải dựa trên lý lẽ cụ thể và có sức thuyết phục thì mới thiệt là tốt cho tất cả chúng sinh.

Bất luận thế nào, trên mạng và cả trên báo chí chính thống, ý định thay đổi cách viết chữ quốc ngữ của vị tiến sĩ này trong mấy ngày qua đã nổi như sóng cồn. Mới nhìn những “tác phẩm ăn theo”, ta thấy vui mắt, nhưng khi nó tràn ngập thì lại gây nhức mắt và giống như là đang có một trận mưa xả rác.

Những công trình cải tiến chữ quốc ngữ một cách nghiêm túc là rất cần thiết. Công trình của vị tiến sĩ “gạch đá” kia chẳng phải là đầu tiên mà cũng không phải cuối cùng. Cho nên, chúng ta nên xác định cách ứng xử của mình chẳng bao giờ thừa. Và điều quan trọng, làm gì thì làm, chớ bao giờ manh động khiến cho các nhà nghiên cứu còn nằm trong lá ủ phải khiếp đảm mà chẳng dám hó hé chi.

PHẠM HỒNG PHƯỚC