Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Bao giờ cho tới Long Thành …

 

Râm ran có những ý kiến rằng cư dân mạng rần rần tưng tưng với đề tài đột biến cải tiến cải lùi cách viết tiếng Việt là để không tập trung bàn tán về việc 91% đại biểu Quốc hội ngày Black Friday 24-11-2017 đã nhấn nút thông qua nghị quyết về đền bù, giải phóng mặt bằng cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Vốn rất ngây thơ và đơn giản như nàng Bạch Tuyết sống chung với 7 chú lùn, tôi không dám suy diễn sâu sắc như vậy đâu à nghen. Nhưng tôi xác định, tôi ủng hộ việc xây một sân bay quốc tế mới thay thế cho sân bay Tân Sơn Nhất bây giờ đã vừa quá tải, vừa xuống cấp và đặc biệt là vừa bị bủa vây, nuốt chửng giữa vòng dân cư. Trên thế giới lâu nay người ta theo xu hướng đưa sân bay ra khỏi trung tâm thành thị.

Sân bay Hong Kong mới Chek Lap Kok Airport xây dựng trên một hòn đảo nhân tạo hoạt động từ năm 1998, thay thế cho sân bay cũ Kai Tak Airport xây dựng từ năm 1925 sau này lọt thỏm vào khu dân cư ở quận Kowloon City District. (Nguồn: Internet. Thanks)

Vấn đề mà tôi quan tâm là bao giờ, ở đâu và làm như thế nào. Hai cái “bao giờ” và “ở đâu” thì đã được chốt hạ, chỉ còn cái phần quan trọng nhất là “làm như thế nào”.

Báo VietnamNet cho biết: “Theo nghị quyết báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành, QH đồng ý triển khai dự án trên diện tích gần 5.400ha, trong đó diện tích đất của dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành là 5.000ha, 282ha cho khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn; 20ha đất cho khu nghĩa trang. Tổng mức đầu tư dự án là 22.938 tỷ đồng, đã bao gồm chi phí dự phòng phát sinh do trượt giá và biến động về số liệu đất đai. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021.”

Cũng báo điện tử này đưa tin, ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cùng đoàn ĐBQH Đồng Nai tại buổi tiếp xúc cử tri ở xã Bình Sơn, huyện Long Thành vào chiều 27-11-2017 có nhấn mạnh rằng: “Người dân và các cấp chính quyền cần sự phối hợp nhịp nhàng để xử lý các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện dự án sân bay quốc tế Long Thành.”

Trong khi đó, ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND Đồng Nai, giải thích rằng việc Quốc hội đã đồng ý giải phóng mặt bằng một lần toàn bộ 5.000ha là trên tinh thần rất nhân văn vì theo luật đất đai, việc giải phóng mặt bằng theo tiến độ dự án. Ông nói: “Tuy nhiên nếu giải phóng theo tiến độ thì những bà con trong vùng dự án sẽ phải chờ đợi rất lâu, gây khó khăn. Việc giải phóng một lần sẽ giúp Chính phủ vừa có đất làm sân bay, vừa giúp bà con chuyển đến chỗ mới để có cuộc sống tốt hơn.”

Như tôi đã mạn phép thố lộ ở trên, xét từ trải nghiệm của bản thân là một người đến nay đã có gần 400 lần lui tới các sân bay nước ngoài nước trong, tôi ủng hộ 2 tay 2 chân việc đưa sân bay ra khỏi trung tâm thành phố, xa nơi đông dân cư, nhưng đừng xa quá và phải xây dựng hệ thống giao thông tiện lợi nối liền sân bay và nội đô.

Và chúng ta – vì quyền lợi của chính mình và tương lai của con cháu – phải cùng giúp Nhà nước giám sát việc thực hiện dự án này từ đầu xây dựng tới cả khi vận hành. Bởi chi phí khổng lồ cho việc xây dựng sân bay không phải của cha căng chú kiết nào mà chính là tiền thuế của chúng ta và con cháu mình. Gánh nặng nợ công vốn đã trĩu nặng giờ lại càng oằn vai. Theo Bản tin Nợ công số 5 mới được công bố hồi cuối quý 3-2017, Bộ Tài chính cho biết nợ công của Việt Nam tính đến hết năm 2015 là hơn 2 triệu tỷ đồng. Ba chủ nợ lớn nhất của Việt Nam là Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Như vậy tính trung bình tại thời điểm 2015, mỗi người dân Việt Nam gánh 22,5 triệu đồng nợ công.

Tất nhiên là Việt Nam sẽ phải tìm nguồn vay từ nước ngoài. Âu đó cũng là lẽ thường tình và không thể thoát khỏi. Nhưng vấn đề ở đây là vay bao nhiêu và vay của ai. Không thể vì những lợi ích trước mắt, lợi ích cục bộ của nhóm nào đó, mà chúng ta vay bằng bất cứ giá nào và vay của bất cứ ai, kể cả những thế lực luôn chơi chiêu trò dùng nợ nần làm vũ khí mềm nhưng có sức công phá như bom nguyên tử để “xâm phạm chủ quyền đất nước con nợ”. Đáng sợ nhất là tư tưởng hết nhiệm kỳ là mình phủi tay để an nhiên thụ hưởng thành quả, chuyện còn lại là của người kế nhiệm và con cháu muôn đời sau.

Chuyện xà xẻo, thất thoát từ dự án sân bay Long Thành cũng là không thể tránh khỏi trong bối cảnh hiện nay. Nhưng với sự tiếp sức giám sát của cộng đồng xã hội, tỷ lệ xấu xa này chắc chắn sẽ giảm xuống. Thôi thì bớt được đồng nào đỡ đồng ấy.

Cuối cùng, xin chốt hạ 2 điều:

  1. Liệu cộng đồng xã hội có được tạo điều kiện để thực hiện việc giám sát nhân dân, giám sát toàn dân?
  2. Dự án sân bay Long Thành mà không được duyệt thì các cây cầu lớn từ Saigon và Hà Nội tới Long Thành chắc chắn sẽ quá tải người đến xếp hàng nhảy cầu do đã mai phục đầu tư quá sâu và quá lâu ở Long Thành. Tôi thì không, nhưng nhiều bạn bè tôi thì có.

PHẠM HỒNG PHƯỚC