Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Uber Việt Nam giải thích về phán quyết của Tòa án Công lý Hội đồng Châu Âu

 

Ngày 20-12-2017, Tòa án Công lý Hội đồng Châu Âu (CJEU) đã đưa ra phán quyết: “Các dịch vụ trung gian sử dụng ứng dụng di động, có thu phí, để kết nối giữa các tài xế không chuyên có phương tiện di chuyển cá nhân và những người có nhu cầu đi lại trong thành phố, về bản chất phải được coi là có liên quan đến một dịch vụ vận tải và được phân loại là ‘một dịch vụ trong lĩnh vực vận tải’ dưới hệ thống pháp luật Châu Âu.” Theo cách diễn giải này, các loại hình vận tải công nghệ như Uber, Grab,… phải được coi là một “dịch vụ vận tải”. Điều này khác với điều trước nay các dịch vụ này luôn khẳng định họ chỉ là những ứng dụng công nghệ trong nền kinh tế chia sẻ, có chức năng kết nối giữa người có xe nhàn rỗi (cung) và người có nhu cầu đi xe (cầu).  

Trên trang chủ của Uber, bà Nguyễn Ánh Nguyệt, Giám đốc Chính sách, Uber Việt Nam, đã có bài viết “Quản lý dịch vụ chia sẻ phương tiện: Chính sách khác biệt tại mỗi quốc gia” nhằm giải thích về phán quyết của tòa án Châu Âu theo cách nhìn từ Uber. Bài viết này cho biết: “Quyết định này chỉ áp dụng cho dịch vụ cung cấp bởi các tài xế không đăng ký kinh doanh vận tải, và loại hình dịch vụ này không nằm trong khuôn khổ Đề án Thí điểm Ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng do Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam khởi xướng. Theo Đề án Thí điểm, mọi phương tiện sử dụng ứng dụng Uber phải là phương tiện hợp đồng, tuân thủ mọi quy định pháp luật hiện hành áp dụng cho kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng; theo đó, chỉ các doanh nghiệp và hợp tác xã được cấp phép kinh doanh vận tải mới được sử dụng ứng dụng Uber. Uber luôn ủng hộ những chính sách tiến bộ vì an toàn và tuyệt đối không chấp nhận các tài xế không chuyên, không đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong Thí điểm.”

Xin mời đọc toàn văn bài viết ở đây.

Để làm rõ hơn, đại diện truyền thông của Uber Việt Nam cũng chia sẻ:

– Phán quyết này không phải áp dụng bắt buộc trên toàn thể 28 quốc gia thành viên EU.

– Phán quyết của EU chỉ dành cho các tài xế không chuyên (non-professional drivers) ở Tây Ban Nha, và mang tính tham khảo cho các quốc gia thành viên để họ “có thể”, không phải “bắt buộc” điều tiết các điều kiện của nước mình.

– Ở Việt Nam, Uber không được cung cấp phần mềm cho lái xe không đăng ký kinh doanh vận tải (kể cả đã có bằng B2, chứ chưa nói đến việc chỉ có bằng không chuyên B1).

Hơn nữa theo Đề án thí điểm hợp đồng điện tử, Uber chỉ được cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp hoặc hợp tác xã đã được cấp phép kinh doanh vận tải; các hộ kinh doanh cá thể được cấp phép vận tải cũng không được tham gia thí điểm.

– Ở Việt Nam, kể cả có giấy phép lái xe hạng B2 nhưng không thuộc doanh nghiệp hoặc HTX kinh doanh vận tải, người lái xe không được phép kết nối với Uber để vận tải hành khách theo dạng hợp đồng điện tử. Nên nếu so với quy định của EU nêu ra thì Việt Nam quy định chặt chẽ hơn nhiều.

Tất nhiên đây là ý kiến từ phía Uber mà chúng tôi xin chia sẻ thêm cho rộng đường dư luận.

Chúng tôi trước nay luôn cho rằng bản chất của vấn đề này chính là mô hình kinh doanh. Tuy cùng vận chuyển hành khách, taxi truyền thống và taxi công nghệ khác nhau về nền tảng và cách kinh doanh. Taxi truyền thống cần phải ứng dụng công nghệ để phục vụ hành khách tốt hơn và đạt hiệu quả cao hơn. Nhưng cho dù vậy, họ vẫn là taxi truyền thống ứng dụng công nghệ trên nền tảng kinh doanh truyền thống. Trong khi đó, các dịch vụ như Uber, Grab,… hoạt động hoàn toàn trên nền công nghệ dựa trên nền kinh tế chia sẻ.

Uber và Grab ký hợp đồng với tài xế thông qua pháp nhân Việt Nam kinh doanh vận tải. Vậy nên ta cứ nắm thóp các pháp nhân cụ thể và bản địa đó (dù sao, doanh nghiệp của ta thì ta có quyền). Các pháp nhân này có trách nhiệm đòi được quyền quản lý hoạt động kinh doanh của người của mình (tức các thành viên đang chạy cho Uber, Grab). Các tài xế là người của pháp nhân vận tải Việt Nam và họ hợp đồng với Uber để sử dụng ứng dụng công nghệ của Uber. Giá cả và cách làm ra sao là do thỏa thuận dân sự giữa hai bên. Vấn đề rắc rối ở Việt Nam là Uber phải cho thanh toán bằng tiền mặt từ đó khó quản lý được doanh thu.

Trong thực tế cuộc sống, hiện nay các loại hình taxi công nghệ như Uber, Grab,… thật sự đã đem lại những lợi ích thiết thực cho cả người lái xe lẫn hành khách. Đây cũng chính là một cú huých để các dịch vụ taxi truyền thống phải đổi mới thật sự, không còn coi tài xế và hành khách là những chùm khế ngọt cho mình hái mỗi ngày, trước tiên là bắt họ phải gánh các chi phí hoạt động và mục tiêu lợi nhuận cho các dịch vụ taxi truyền thống.

Tất nhiên Việt Nam sẽ phải nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý đối với loại hình vận tải thời công nghệ này, không phải để gây khó khăn hay ngăn chặn nó, mà là để nó chạy một cách đúng đắn phục vụ tốt hơn cho người dùng. Mấu chốt là không thể đánh đồng taxi công nghệ với taxi truyền thống.

Và khởi đầu luôn là việc các dịch vụ taxi công nghệ và cơ quan hữu trách của Việt Nam cùng ngồi lại với nhau một cách thiện chí để đưa mọi sự vào nền nếp, đúng quỹ đạo cho dù có sai quy trình nhằm cùng phát triển một loại hình vận chuyển tiên tiến và thời đại đem lại những lợi ích thiết thực cho người có nhu cầu đi lại – ít nhất là cho họ có được quyền lựa chọn dịch vụ mà mình ưng cái bụng nhất.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.