Thứ Hai ngày 04 tháng 11 năm 2024

Bóng đá chỉ là thể thao….

PHP RỦ RỈ RÙ RÌ

Cho dù được gán cho cái danh hiệu môn thể thao vua, bóng đá suy cho cùng vẫn chỉ là một trong các bộ môn thể thao.

Ta không bác bỏ thực tế trên thế giới có khi người ta dùng thể thao làm miếng trầu làm đầu câu chuyện, là nhịp cầu cho những ủ mưu chính trị nào đó. Như Mỹ, như Trung Quốc từng làm. Nhưng như đã nói, thể thao chỉ dừng lại ở vị trí tạo cớ mở đầu. Chẳng ai ngây thơ và gan cùng mình khi áp đặt thể thao vào một trọng trách chính trị.

Bóng đá xưa nay vẫn là môn thể thao được đông đảo người Việt yêu thích nhất, yêu tới mức cuồng si, thậm chí lên đồng tập thể. Không một môn thể thao nào khác làm được.

Nhưng đó là tình yêu bóng đá của người dân. Một phạm trù tình cảm con người và thuần chất thể thao.

Tất nhiên bóng đá không thể thoát khỏi tầm mắt và bàn tay của những người làm tuyên truyền chính trị hay kể cả giới kinh doanh biết ăn theo. Và đó là chuyện của họ, ăn cơm chúa phải múa tối ngày, họ được trả lương để làm điều đó.

Chẳng ai trách họ nếu họ đừng có quá lố đến lố bịch và kệch cỡm. Nhưng càng đáng buồn, đáng lo khi họ dường như quá coi thường trình độ người dân ở nửa đầu thế kỷ 21. Kết quả là họ bị phản tác dụng, lãnh gạch đá của cộng đồng, dẫn đến lòng tin càng thêm lâm nguy hơn. Thử hỏi ai có chút trí khôn và biết lẽ phải lại cảm thấy được thuyết phục trước những kẻ ăn nói vung vít như ma nhập quỷ ám.

Việc phân tích kỳ tích đội tuyển U23 Viêt Nam đạt những thành tích lịch sử trong giải vô địch bóng đá U23 châu Á năm 2018 chắc chắn và cần phải được tiến hành nghiêm túc dài dài sau giải. Chúng ta có thể dùng những nỗ lực phi thường của thầy trò U23 làm tấm gương cổ vũ cho nhiều lĩnh vực khác. Nhưng như đã nói, bóng đá chỉ là bóng đá, bóng đá chỉ là thể thao, chẳng thể quản lý đội bóng như một công ty hay điều hành công ty như một đội bóng.

Thú thiệt, trong mấy ngày qua tôi đã không ít lần giựt thót cả người trước những câu chữ, giưt tít quá dễ dãi, cảm tính và quá đáng của một số bạn đồng nghiệp báo giới. Mạng xã hội thì… thôi khó quá, cho qua. Đằng này lại có cả những tờ báo chính thống, có số má.

Với trình độ hạn hẹp của mình, tôi không hiểu vì sao có bạn lại dao to búa lớn gán thành tích của đội U23 vào “thế nước, vận nước”. Chẳng lẽ hễ U23 chiến thắng là vận nước lên, còn bại trận là vận nước xuống. Mà bóng đá có một trong những đặc thù khiến nó luôn hấp dẫn lôi cuốn là tính bất ngờ, sự trồi sụt. Ngay cả các đội tuyển bóng đá đỉnh cao thế giới cũng chẳng thể nào giữ mãi phong độ. Cách đây chưa lâu, đội tuyển VN bị loại ngay từ vòng bảng của SEA Games 2017 – chẳng lẽ thế nước bị xuống sao?

Có ai quên được thực tế bóng đá VN luôn sáng nắng chiều mưa trưa ẩm ương. Các đội bóng của ta thiếu nền tảng thật sự, thường gây hồi hộp, bất an, đau tim cho người yêu bóng đá.

Chẳng nên sống ảo với ý nghĩ vị thế nước Việt sẽ tăng cao trong khu vực, trên thế giới sau khi bóng đá VN đăng quang ở giải bóng đá trẻ châu Á này. Brazil đã 5 lần vô địch bóng đá thế giới và hiện xếp thứ 2 trên bảng xếp hạng FIFA giữa tháng 1-2018 kia đó.

Có lẽ cần nói thêm, các đội tham gia chỉ là các đội tuyển U23 chứ không phải đội tuyển quốc gia. Giải dành cho bóng đá trẻ AFC U23 Championship chỉ mới thành lập năm 2015 và diễn ra 2 năm một lần, năm nay mới lần thứ hai. Đây không phải giải vô địch bóng đá châu Á AFC Asian Cup ra đời năm 1956 và diễn ra 4 năm một lần. (Thiệt ra giải U23 Châu Á này có tiền thân là giải U22 Châu Á tổ chức lần đầu tại Oman vào năm 2013 (đấu loại trong năm 2012) nhưng vòng chung kết lại bị hoãn tới đầu năm 2014 do đụng lịch của Cúp Đông Á 2013. Giải U22 châu Á chỉ có một lần đó thôi và Iraq vô địch. Từ năm 2015, giải bóng đá trẻ này chính thức mang tên U23 châu Á.)

Nhân tiện, người lớn chúng ta cũng bớt nói thách gọi các cầu thủ U23 là “anh hùng dân tộc”. Tội nghiệp các em nó bị nổi sảy tùm lum vì mắc cỡ. Có quá lắm thì cũng chỉ là “người hùng bóng đá” thôi mà.

Bóng đá chỉ là thể thao. Bóng đá là một trong những môt trong số ít môn thể thao nóng sốt nhất, có thể chấp nhận cho người ta bay lên mây. Nhưng nó cũng phải có giới hạn của tầng khí quyển nếu không muốn văng ra khỏi quỹ đạo Trái đất. Tôi chưa từng biết một quốc gia nào khác cả gan có suy nghĩ là hễ lập được thành tích cao trong bóng đá là cũng có thể thành công về kinh tế và phát triển. Liệu có cần phủ khăn lạnh vào mặt cho tỉnh lại những ai đã quên mất tiêu thực tế khách quan là đâu phải hễ có thể đánh bại đủ các thể loại quân xâm lược phong kiến, thực dân, đế quốc, bành trướng số 1 thế giới là có thể điều hành đất nước ngon lành, xây dựng quốc gia phát triển và phồn vinh. Cũng chưa có chuyện giỏi về chính trị đồng nghĩa với tài về kinh tế. Nhà chính trị chỉ có thể là cgisnh khách cực giỏi khi thực sự là người biết sử dụng và phát huy tối ưu sức mạnh của các nhà chuyên môn trong từng lĩnh vực. À mà thôi, lạc trôi mất tiêu rồi….

Người Việt mình cứ cháy hết mình tuốt tuồn tuột với bóng đá. Bây giờ cụ thể là với đội tuyển U23 của mình. Trong lần thứ 2 diễn ra giải U23 châu Á, đội tuyển U23 VN có vinh dự là nước Đông Nam Á đầu tiên lọt vào tới trận chung kết. Lần trước U23 Nhật Bản giành cúp và U23 Hàn Quốc là á quân. Vui được thì cứ vui vì chẳng ai biết ra sao lần sau khi mà nền bóng đá VN lâu nay vẫn loay hoay lặn hụp còn không nên cơm cháo gì trong cái ao làng Đông Nam Á, một vùng trũng của bóng đá thế giới.

Chỉ còn hơn 1 ngày nữa là U23 VN tranh cúp với U23 Uzbekistan. Người hâm mộ cả nước đứng phía sau hậu thuẫn cho thầy trò ông Park Hang-seo (HLV Hàn Quốc). Nhưng đừng tạo thêm áp lực cho họ. Hãy để họ được tự do xả thân vì màu cờ sắc áo và nỗi đam mê bóng đá của mình. Họ chỉ có trách nhiệm với bóng đá và khân giả của mình, chớ nào muốn bị đặt lên vai những sứ mạng chính trị. Nhiệm vụ duy nhất của thầy trò là đá hết mình và cố gắng thắng trận. Tôi thích cách nghĩ của một bạn trên Facebook: “Lỡ vào tới trận chung kết rồi, thôi ta vô địch luôn nhé”. Nói nôm na là tới luôn bác tài.

Chúng ta bao năm nay đã bất chấp đủ loại “tăng” (giá cả tăng, xăng tăng, điện tăng, nước tăng, thuế tăng, phí tăng,…) thì U-dơ-bê-kít-tăng có là con muỗi gì.

Khi hai đối thủ không có gì để mất và cùng vào tới trận chung kết như thế này, hy vọng họ thi đấu trong tâm trạng thoải mái hơn. U23 VN có thế đá kém hay đi trước một đội không phải dạng vừa, từng thắng cả đương kim vô địch và á quân, nhưng chắc chắn các cầu thủ Việt sẽ tiếp tục đá đẹp đá tử tế như từ đầu giải. Hy vọng họ tiếp tục thể hiện mình thật sự là thế hệ cầu thủ mới của đất nước luôn sống chết cùng bóng đá này. Bất luận thế nào, bất kể kết quả trận chung kết U23 Châu Á ra sao, đội U23 VN hiện nay đã làm được điều mà chưa từng có thế hệ cầu thủ nào trước nay làm được là lọt vào tới trận chung kết một giải bóng đá cấp châu lục. Không hồ nghi chi nữa, đó chính là một kỳ tích lịch sử, của thể thao nước nhà.

PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.