Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Còn kinh khủng hơn trận chung kết…

 

Đó là trận mà các tuyển thủ U23 Việt Nam đang phải căng mình và chịu hành xác ngay trên sân nhà ngày 28-1-2018.

Nghe nói các em ra sân bay ở Thường Châu (Trung Quốc) từ sáng sớm. Ngay sau khi về tới sân bay Nội Bài (Hà Nội) lúc 13g, trễ khá lâu so với kế hoạch, đội U23 bắt đầu bị cuốn hút vào các hoạt động chính thức có, hội hè có để đón mừng những người hùng của người hâm mộ.

Gần 10 giờ đêm, đi ăn hết 2 cái đám cưới về, tôi còn nhìn thấy trên TV đang trực tiếp cảnh một vị bộ trưởng đang đọc diễn văn trên sân Mỹ Đình – nơi diễn ra Gala đón mừng chính thức.

Có vẻ như chẳng ai muốn mình bị mất phần của chiếc bánh giữa làng này để thể hiện sự quan tâm (cũng là công trạng) của mình đối với kỳ tích của đội bóng đá U23 Việt Nam. Trong khi thực hư ra sao, ai cũng đã biết.

Có vẻ như người lớn bất cần quan tâm tới chuyện các bạn tuyển thủ đã phải lao tâm khổ trí, vắt kiệt tới những hơi sức đã mòn mỏi của mình trong suốt những ngày quyết tử vừa qua, đặc biệt là từ vòng tứ kết. Nghe nói chưa có đội bóng nào trên thế giới phải đá liên tục 3 trận có hiệp phụ với thời gian tới 120 phút (so với 90 phút chính thức) như đội U23 Việt Nam phải chịu từ trận tứ kết qua bán kết tới chung kết. Đã vậy, có tới hai trận (tứ kết và bán kết) còn phải trải qua cuộc xử bắn đá luân lưu 11 mét để phân thắng bại. Rồi trận chung kết không chỉ kéo dài tới 119 phút (tới phút định mệnh) mà còn diễn ra trong mưa tuyết dày biến sân cỏ thành sân tuyết và không phải thủy chiến mà là tuyết chiến.

Tôi mượn ảnh cổ động viên nước ngoài (Hà Lan) cho nó an lành. (Nguồn: Internet. Thanks).

Liệu người lớn có những giải pháp nào để “giải cứu” các “nạn nhân bất đắc dĩ” như thế này? Tất nhiên là có vô số những lời giải thích và biện minh. Tôi không tranh cãi chi đâu. Tôi cũng chẳng thèm trách ai “chỉ tổ chúng ghét”. Nên chỉ tự mình thương cho các bạn trẻ U23 mà thôi. Tôi còn hỗng hiểu nổi thì bà con năm châu bốn biển ngó vào hiểu được chết liền.

Tuy nhiên, tôi cũng tự an ủi là nhờ vậy mà tôi bớt tự ti mặc cảm. Bởi lâu nay tôi vẫn mắc cỡ về cái hội chứng bá bệnh chuộng hình thức, háo danh, giành công của tôi, và cứ đinh ninh mình là nhứt thiên hạ rồi.

PHẠM HỒNG PHƯỚC