Tiền mới mà không vui
Thiệt lòng là mỗi lần đi rút tiền ở máy ATM của ngân hàng nhà nước Vietcombank mà nhận được những tờ giấy bạc mệnh giá lớn nhất (500.000 đồng) còn thơm mùi giấy mực với những số series liền kề nhau, tôi chớ hề vui mà càng thêm nặng lòng. Nỗi lo buồn càng nặng trĩu khi số lần lưu hành tiền mới ngày càng gần nhau hơn.
Phải chăng điều này cho thấy nhà nước đã phải in thêm tiền và bơm vào dòng lưu thông của xã hội. Theo lẽ thường tình, hậu quả là lạm phát càng cao và đồng tiền càng bị mất giá.
Thật ra, việc nhà nước in thêm tiền là bình thường và nước nào cũng vậy. Vấn đề chỉ khác nhau ở chỗ nền kinh tế của từng nước khỏe yếu ra sao và giá trị của đồng tiền được bảo đảm thế nào. Và nó hoàn toàn là cả một phương trời cách biệt nếu như đó là do ngân sách nhà nước cạn kiệt tiền phải in thêm tiền mà chi tiêu. Ừ thì nhà nước nắm giữ máy in tiền nên in bao nhiêu chẳng được.
Hồi xưa, giá trị của một đồng tiền là bảo đảm bằng chế độ kim bản vị hay bản vị vàng (gold standard), theo đó nhà nước chỉ được in tổng trị giá tiền tùy theo số lượng vàng dự trữ của nước đó. Ngày nay, không còn nước nào áp dụng chế độ này nữa. Ngay cả Mỹ cũng từ bỏ chế độ kim bản vị từ ngày 5-6-1933 sau khi áp dụng từ năm 1879. Thay vào đó, giá trị đồng tiền do nhà nước quy định và bảo đảm bởi nhiều yếu tố, và chủ yếu dựa vào sức khỏe của nền kinh tế. Không thể có một đồng tiền mạnh trên thị trường quốc tế nếu nước phát hành nó có nền kinh tế yếu, đặc biệt nguy hiểm là được điều hành bởi một chính phủ quá tệ.
Điển hình gần đây nhất là đồng đôla Zimbabwe. Zimbabwean dollar (Z$) được sử dụng vào năm 1980 thay cho đồng Rhodesian dollar với giá trị quy đổi tương tự (1:1). Nhưng dưới sự lãnh đạo quá tệ của nhà cách mạng giải phóng dân tộc biến chất thành nhà độc tài chuyên chế tư lợi Robert Mugabe (làm Thủ tướng từ 1980 và Tổng thống từ 1987 cho tới khi bị cưỡng ép từ chức năm 2017), Zimbabwe rơi vào siêu lạm phát (hyperinflation). Tỷ lệ lạm phát hồi tháng 1-2008 ở mức 100.000% đã vọt lên gần 230.000.000% vào năm 2009. Tất nhiên đồng tiền mất giá nhanh, và tệ nhất là trong nửa cuối thập niên 2000 để rồi đồng Zimbabwean dollar bị khai tử vào tháng 4-2009. Trong thời kỳ đồng tiền như một tờ giấy lộn đó, nhà nước đã phát hành đồng tiền có mệnh giá tới 100.000 tỷ Z$ (số 1 và 14 số 0). Vào ngày đầu tiên tờ giấy bạc “khủng” này được phát hành hồi năm 2008, nó trị giá bằng… 3 quả trứng gà, nhưng một ngày sau thì chỉ có thể mua được 1 quả trứng gà!
Nhân tiện, Tết Mậu Tuất này, nhà nước Việt Nam tiếp tục chủ trương không đưa thêm các loại tiền mới in có mệnh giá dưới 5.000 đồng ra thị trường (vốn chủ yếu dùng để lì xì và cúng lễ đình chùa). Ngân hàng Nhà nước cho biết việc không phát hành tiền mới in dịp Tết Nguyên đán năm 2018 giúp tiết kiệm khoảng 280 tỷ đồng, nâng tổng mức chi phí tiết giảm từ khi thực hiện chủ trương này đến nay lên đến khoảng gần 2.200 tỷ đồng. Đó là chi phí in ấn và phát hành.
Hiện nay, tiền giấy của Việt Nam gồm 6 mệnh giá bằng vật liệu polymer (10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng, 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng) và 6 mệnh giá bằng giấy cotton truyền thống (100 đồng, 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng và 5.000 đồng). Tiền kim loại có 5 mệnh giá 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng và 5.000 đồng được đúc vào năm 2003 và bắt đầu lưu hành tháng 4-2004. Từ năm 2010, Ngân hàng Nhà nước đã dừng việc phát hành thêm tiền kim loại với lý do giá thép tăng mạnh, khiến chi phí sản xuất tiền kim loại đắt hơn tiền giấy. Mặc dù từ lâu rồi, tiền kim loại không còn thấy lưu hành nữa nhưng chúng vẫn còn giá trị vì nhà nước chưa hề có quyết định thu hồi.
Nhân tiện, tôi cũng lăn tăn với ý nghĩa phải chăng người Việt mình mê tín thuộc hàng siêu đẳng nhưng cũng lại luôn “lừa thần gạt thánh” khi cúng bái chủ yếu bằng loại giấy bạc 100 đồng, 200 đồng mà có cho người ăn xin cũng bị quẳng lại vào mặt. Vậy mà cứ đòi thần thánh chứng giám cầu gì được nấy, không được thì than trời trách đất.
Chiều 28 Tết Mậu Tuất bị ám ảnh bởi tiền nên lan man về tiền. Mong mọi người rộng lòng miễn chấp.
PHẠM HỒNG PHƯỚC