Thứ Ba ngày 05 tháng 11 năm 2024

17-2-1979

Còn nhớ hôm ấy là thứ Bảy 17-2-1979 (tức 21 tháng Giêng năm Kỷ Mùi). Lúc đó tôi và anh chị em sống trong khu tập thể tại tòa soạn báo Long An đã thức dậy để tập thể dục mỗi sáng theo điệu nhạc và lời điều khiển phát từ chiếc loa phóng thanh gắn phía trước Thư viện tỉnh nằm đối diện trên đường Nguyễn Huệ. Và chúng tôi đã bàng hoàng khi nghe hung tin: lúc 5 giờ sáng 17-2-1979, Bắc Kinh đã xua một đạo quân hùng hậu tấn công đồng loạt biên giới phía Bắc của Việt Nam mở màn cho cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc do quân bành trướng Trung Quốc chủ xướng, tuy chỉ kéo dài vỏn vẹn 1 tháng, nhưng gây tổn thất nhân mạng quá nặng nề cho cả hai bên, đặc biệt là thường dân ở những vùng biên giới. Hàng vạn người đã mất mạng trong và sau cuộc chiến đó. Nỗi kinh hoàng do quân xâm lược tuân lệnh “dạy cho Việt Nam một bài học” từ Đặng Tiểu Bình, khi đó là Phó Thủ tướng Trung Quốc, gây ra mà những người dân Việt trực tiếp gánh chịu hằn sâu vào tâm khảm họ thành những vết sẹo vĩnh viễn.

Ngày 5-3-1979, Quốc hội Việt Nam ra quyết định và Chủ tịch nước ban hành lệnh tổng động viên. Anh em ở báo Long An chúng tôi mỗi người viết quyết tâm thư thể hiện việc sẵn sàng ra chiến đấu ở biên giới phía Bắc. Vào thời điểm đó, tỉnh Long An vừa trải qua những tháng năm oằn mình chống trả cuộc chiến xâm lược của bọn đồ đệ Bắc Kinh là bọn Pol Pot – Ieng Sary, cầm đầu Khmer Đỏ tấn công hung ác dọc tuyến biên giới Tây Nam từ năm 1975 tới cuối năm 1978 trước khi quân dân Campuchia với sự trợ giúp của Việt Nam, theo yêu cầu danh chính ngôn thuận của lực lượng yêu nước nổi dậy nước bạn, lật đổ được nhà cầm quyền Khmer Đỏ tay sai Bắc Kinh vào tháng 1-1979, chỉ hơn 1 tháng trước khi Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc của Việt Nam.

Từ điển bách khoa Wikipedia viết về Cuộc Chiến tranh biên giới Tây Nam của Việt Nam: Giai đoạn 1: Từ giữa năm 1975 đến cuối năm 1978, Khmer Đỏ tổ chức nhiều cuộc tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, phá hủy nhiều ngôi làng và giết hại hàng ngàn thường dân Việt Nam. Phía Việt Nam chỉ tổ chức phòng ngự và cố đàm phán tìm giải pháp hòa bình, nhưng Khmer Đỏ bác bỏ. Giai đoạn 2: Từ tháng 12-1978 đến tháng 5-1979, Khmer Đỏ tổ chức cuộc tấn công lớn nhất vào lãnh thổ Việt Nam với 19 sư đoàn nhưng bị phía Việt Nam bẻ gãy. Sau cuộc tấn công, Việt Nam thấy không có cơ hội để đàm phán hòa bình nên đã tổ chức tấn công lớn vào Campuchia, lật đổ Khmer Đỏ và lập nên chế độ mới do Hun Sen đứng đầu. Tàn quân Khmer Đỏ chạy sang ẩn náu bên kia biên giới Thái Lan.

Phải chăng có sự liên hệ giữa cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam? Chính quyền Khmer Đỏ do Trung Quốc hậu thuẫn và chi phối, các sư đoàn Khmer Đỏ do Trung Quốc trang bị vũ khí hùng hậu. Có từ 10.000 tới 20.000 cố vấn Trung Quốc ở Campuchia dười thời Khmer Đỏ cầm quyền. Và Bắc Kinh đã mở cuộc tấn công vào biên giới phía Bắc để trừng phạt Việt Nam về tội không nghe lời rút quân khỏi Campuchia, thôi tấn công Khmer Đỏ. Bằng cách dùng vũ lực này, tập trung tới 600.000 quân, Bắc Kinh còn muốn phân tán lực lượng của Việt Nam.

Báo Đại Đoàn Kết (16-2-2014) đăng bài hồi ức của tác giả Đinh Đức Lập về ngày 17-2-1979 có đoạn: “Sau này có điều kiện đọc tài liệu thì mới được rõ thêm mục tiêu “dạy cho Việt Nam một bài học”của Đặng Tiểu Bình, khi đó là Phó Thủ tướng, đã được quân Trung Quốc thể hiện qua hành động tiêu diệt hết (không bắt tù binh), phá hết, phá càng nhiều càng tốt. Điều đó chúng tôi đã tận mắt chứng kiến. Và việc họ nói Việt Nam nổ súng trước, Trung Quốc phản công tự vệ là sự dối trá, đổi trắng thay đen trắng trợn. Các anh em trong đơn vị đều kể lại rằng ngày 16-2-1979 đơn vị (Tiểu đoàn 25 công binh thuộc Trung đoàn 89 Quân khu 2) vẫn đang làm đường tại ngã ba Bản Phiệt, cách biên giới theo đường chim bay chưa đầy chục cây số.”

Và tới nay đã 39 năm.

Tôi luôn ghi nhớ những sự kiện như thế này không phải để nuôi giữ lòng thù hận cho nó luôn ám ảnh và làm nặng lòng chính mình. Nhưng tôi không có quyền quên bất cứ ai đã hy sinh thậm chí cả mạng sống mình để bảo vệ giang sơn Tổ quốc mà ông cha ta đã đổ máu xương và dày công xây dựng từ ngàn xưa rồi trao lại cho các thế hệ con cháu. Tôi luôn hiểu rằng mình còn tồn tại tới hôm nay và sống an lành tại đây chính là nhờ những hy sinh của những người bảo vệ non sông, cho dù họ chiến đấu với lý tưởng nào. Tôi chỉ cần biết họ là những người Việt, và cả người nước ngoài, đã đổ máu để bảo vệ giang sơn Việt Nam.  

Cách riêng với sự kiện 17-2-1979, tôi nhắc lại để nhắc tôi chớ có ảo tưởng về một sự hữu hảo thật sự với người láng giềng khổng lồ đầy dã tâm và có mưu đồ bá vương. Người ta có thể chọn hàng xóm bằng cách tự xử là dọn nhà đi chỗ khác. Nhưng người ta không thể chọn được nước láng giềng. Định mệnh của dân tộc Việt là phải sống chung bên cạnh Trung Quốc, không có cách nào khác.  Do những đặc thù, lịch sử của Trung Quốc và Việt Nam cực kỳ phức tạp kéo dài từ tận khi tổ tiên người Việt mới dựng nước. Bi kịch ở chỗ trong lịch sử được ghi chép lại cho các thế hệ người dân lưu giữ, chiến thắng bên này là thất bại của bên kia. Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, nếu không bị Trung Hoa xâm lược (cả ngàn năm bị đô hộ) thì cũng phải cam chịu thân phận một nước phải thần phục mà triều cống. Nếu cứ cứng nhắc rập khuôn theo lịch sử được học biết, khó thể có người Trung Quốc nào coi Việt Nam là một “nước bạn thân thiết”. Số người có lương tri và biết lẽ phải để phân biệt đâu là chuyện của lịch sử phải để nằm trong lịch sử chắc chắn không thể đông tới mức đủ chi phối. Đó là một thực tế khách quan. Hoàng Sa đó! Trường Sa đó!

Nói vậy không phải để tôi nuôi lòng thù ghét gì người Trung Quốc. Tôi được những bậc trưởng thượng dạy để biết phân biệt đâu là người dân, đâu là nhà cầm quyền. Tôi chỉ nhận thức để không bị huyễn hoặc, tự ảo tưởng trước một nước láng giềng cực lớn mà đầy những mưu bá đồ vương. Người thức thời là phải biết người biết ta. Vị thế một nước nhỏ trên bàn cờ thế giới đã thê thảm, đừng nói chi tới thân phận một nước nhỏ nằm bên cạnh một nước láng giềng khổng lồ theo mọi chiều kích mà xấu tính. Giỏi cũng chết, dở cũng chết, chỉ biết khôn là còn sống. Thỏa hiệp ư? Không, ai lại hèn thế. Mà là chung sống hòa bình trong tinh thần cảnh giác.

Có thể sẽ gây tranh cãi, nhưng theo ý tôi, điều thực chất mà ta cần là làm thế nào để Bắc Kinh chịu để yên cho Việt Nam an lành và phát triển. Còn bằng cách nào để có được như vậy thì tùy sự khôn ngoan và bản lĩnh của chính người Việt. Vâng, phải chính người Việt là chủ thể chịu trách nhiệm cho vận mệnh của dân tộc Việt và Tổ quốc Việt. Biết tranh thủ được sức mạnh cộng đồng quốc tế hỗ trợ mình chính là một cách nghĩ khôn ngoan.

Hôm nay, tôi nhắc lại sự kiện 17-2-1979 nổ ra cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc cũng là để ngày này những năm sau Facebook sẽ tự động nhắc nhở tôi trong Memory.  

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh tư liệu từ Internet.