Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Nhớ không phải để gây thêm buồn…

Ngày mùng Một Tết Mậu Tuất 2018, tôi đã đốt một lư trầm nhỏ và thắp một nén tâm hương để tưởng nhớ những người 50 năm đó. Do có những điều tế nhị, tôi chỉ trải lòng trên blog của mình (www.phamhongphuoc.net) như một cõi riêng tư.

Ngày mùng Hai Tết Mậu Tuất 2018, tôi như bị lôi tuột về thời điểm cách đây 39 năm, khi sáng sớm ngày này (17-2-1979), nhà cầm quyền Trung Quốc xua nhiều vạn quân (có số liệu ghi tổng cộng tới 600.000 quân, trong đó có nhiều quân sơn cước hung rợ) đồng loạt tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam.

Nhớ lại những sự kiện bi thương đó trong lịch sử là chuyện của lương tâm, đạo lý và trách nhiệm của con người, đặc biệt là người Việt chung bào thai trăm trứng của Mẹ Âu Cơ. Nhớ là để không bao giờ quên chớ không phải nhớ để mà buồn thảm, đặc biệt là trong mấy ngày Tết. Tôi tin rằng những anh linh đã mất mạng sống trong những sự kiện ấy không bao giờ muốn gây đau buồn cho hậu thế. Đặc biệt là với những người hy sinh để bảo vệ đất nước, họ chấp nhận chết đi cho đồng bào mình được an vui. Họ chỉ cần được nhớ để thanh thản nơi ngàn trùng xa cách. Làm sao họ có thể an nghỉ khi biết rằng mình bị hậu thế lãng quên hay “nhớ trong giới hạn” bởi bất cứ lý do nào đó. Họ cũng muốn rằng mình được nhớ để muôn đời sau không lặp lại những sự việc bi thương đó và không còn ai nữa phải như họ.

Nhớ lại những sự kiện bi thương đó trong lịch sử còn là để bị trân quý những gì chúng ta đang thụ hưởng ngày nay. Chúng ta may mắn vì đã không phải trải qua những sự kiện đó hay từng thoát được khỏi chúng. Những gì có được hôm nay chính là nhờ có những người đã dũng cảm hy sinh bảo vệ chúng cho chúng ta.

Trong chừng mực không thể nào làm khác hơn hay nhiều hơn, việc nhắc nhớ lại những sự kiện bi thương của lịch sử chỉ để không lãng quên lịch sử và chủ yếu để tưởng niệm những người đã mất. Nó hoàn toàn không phải là đào mồ quá khứ, kích động thù hận, đặc biệt là hận thù giữa những người cùng dân tộc hay giữa các dân tộc. Đó là những khúc quanh, những đoạn gập ghềnh của lịch sử mà bất cứ dân tộc nào cũng không thể tránh khỏi. Người ta chỉ hơn nhau ở chỗ đối xử với chúng ra sao. Và bất luận thế nào, cuối cùng thì lịch sử sẽ luôn được các thế hệ con người sau đó phán xét một cách sòng phẳng. Có thể gọi đó là quy luật lịch sử khách quan.

Cuối cùng, nói thì nói để trấn an lẫn nhau thôi. Chẳng thể nào mà không nặng lòng mỗi khi nhắc nhớ lại những bi khúc lịch sử đó. Phải chăng còn biết nặng lòng như thế là vẫn còn là một con người tử tế….

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.