Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Tôi đánh… tôi!

Ậy, ai mà nỡ ra tay động thủ đầu năm với một kẻ ngây thơ trinh trắng cực kỳ nhạy cảm như tôi kia chớ. “Tôi đánh… tôi!” chỉ là một cách “giựt tít câu view” mà tôi thử từ cái tít trên bản thảo: “Tôi đánh thức tôi!” Vậy á. Mùng 4 Tết rồi, tỉnh dậy đi chớ.

Hôm nay không chỉ là một ngày thứ Hai đầu tuần (19-2-2018) mà còn là ngày đầu tiên về cơ bản là “hết tết” Mậu Tuất rồi (mùng 4 tháng Giêng). Nói là về cơ bản vì theo truyền thống cha ông “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, nghĩa là cả tháng ăn tết, cho tới “Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà”. Sau này con cháu đỡ làm biếng hơn (có lẽ do thực tế đời sống cơm áo gạo tiền thúc bách thôi, chớ mà no đủ thì ông bà mình có sẵn câu “ăn no rửng mỡ” kia đó), nên ăn Tết còn 50%, qua Rằm tháng Giêng, sau khi đã đi đủ 10 cảnh chùa, viếng bái các thể loại đền thờ, miếu mạo, mới bắt đầu đề máy vào năm làm việc mới. Những người siêng hơn thì có nấn ná chi cũng từ “mùng” (hết mùng 10 Tết) qua “mền” (từ ngày 11 tháng Giêng) mới bắt đầu tỉnh thức. Còn nếu chiếu theo quy định của Nhà nước có dấu đỏ bảo chứng thì Tết Mậu Tuất 2018, người lao động được nghỉ 7 ngày, từ 14-2-2018 (29 Tết) tới 20-2-2018 (hết mùng 5 Tết).

Ý ủa, vậy là tôi bị ọt-giơ (hors-jeu, việt vị) rồi sao khi đánh thức từ ngày mùng 4 Tết? Nhà nước còn cho phép nghỉ có lương tới sáng mùng 6 Tết mới đi vô sở làm kia mà (“đi vô sở” không đồng nghĩa là “đi làm” nghen).

Trở lại cái tít “tôi đánh… tôi”, thiệt ra tôi cũng bị ảnh hưởng bởi cái máu mê ăn Tết sung tới mức hết “đánh chén” tới “đánh cờ đánh bạc” rồi “đánh nhau” mang tính “truyền thống phát triển bền vững” của một bộ phận không nhỏ đồng bào mình. Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 3 ngày Tết Mậu Tuất, tính từ 30 tháng Chạp đến mùng 2 Tết, cả nước có khoảng 1.950 người phải vào bệnh viện vì đánh nhau. Số đánh nhau mà tự xử không nhập viện thì khỏi nói cũng nhiều hơn bội lần rồi. Báo Tuổi Trẻ Online (18-2-2018) đưa tin: Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số người vào viện vì đánh nhau trong dịp tết những năm gần đây luôn ở mức rất cao, có năm 6 ngày trước và trong tết có đến 6.000 người phải vào viện vì lý do này.

Dĩ nhiên cái vụ nhanh nhạy tới mức các đệ nhất võ lâm của Kim Dung cũng phải bái làm sư phụ, hễ cảm thấy ngứa mắt chột bụng cái là động thủ này không thể gọi là có tinh thần “thượng võ” được, mà chính xác là “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân”. Dù sao, đánh bằng tay bằng chân cũng còn đỡ, chớ mà dùng tới… à mà thôi!

Thiệt tình, nhìn cái biểu đồ số người chết vì tai nạn giao thông hàng ngày trong 5 ngày nghỉ Tết Mậu Tuấn mà báo Zing News thể hiện, tôi bắt lạnh sống lưng. Một sự cao ổn định: từ 30 Tết tới mùng 3 Tết, ngày nào cũng có trên 30 người chết vì tai nạn giao thông (trung bình là 31 người, tăng 2 người so với Tết Đinh Dậu 2017). Cụ thể, theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia gởi Văn phòng Chính phủ, trong 5 ngày nghỉ Tết Mậu Tuất (từ 29 tháng Chạp tới hết mùng 3 Tết)  cả nước xảy ra hơn 200 vụ tai nạn giao thông khiến 155 người chết, 149 người bị thương. Vậy là Tết năm sau cũng là đám giỗ đầu của 155 nạn nhân này.

Mà hai cái vụ đánh nhau và tai nạn giao thông ngày Tết này có một nguyên nhân chung: say rượu. Tôi gọi lễ Tết hội hè ở Việt Nam chính là những cái “vũng lầy bia rượu”. Hậu quả nghiêm trọng nhất là “say cũng chết” mà “không say thì cũng bị những người say làm cho chết”.

Tới đây thì tôi tỉnh thức hoàn toàn. Có ngủ cũng bị ám ảnh.

Vậy nên, xin chào mùng 4 Tết Mậu Tuất. Còn được nghỉ thêm 2 ngày thì tôi… à mà thôi… ahihi!

PHẠM HỒNG PHƯỚC