Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Lẩn thẩn quỳ và đứng

PHP RỦ RỈ RÙ RÌ

Có những nỗi sợ vô hình mà không vô sự. Tôi quỳ chỉ vì sợ mà không thể có sự lựa chọn nào khác hơn. Chỉ biết mong các thánh Phây chịu khó thấu hiểu cho hoàn cảnh cụ thể khó nói nên lời của tôi.

Thiệt ra, cho dù tôi đang đứng, đang nằm, đang ngồi, hay đang cuốc bộ, đang cỡi xe đạp, đang ngồi trên xe 2 bánh, 4 bánh, vô số bánh, và thậm chí đang ngồi trên những chiếc Boeing 787 hay Airbus A350, dường như tôi vẫn luôn mang một tâm thức quỳ. Tôi gọi là quỳ vô hình.

Khi học trò bị làm nhục, khi giáo viên bị sỉ nhục ngay chính trên đất thánh của họ là nhà trường, có nghĩa là cái sự học đã thất thủ.

Phải chăng cô giáo quỳ là một giọt nước tràn ly để xã hội phải nhìn nhận lại thực trạng của mình khi đã sa lầy quá sâu vào cái xô bồ xô bộn của loạn chuẩn, đảo chuẩn.

Ước gì cái quỳ bi kịch của cô giáo đủ sức để cả xã hội thức tỉnh và đồng lòng buộc cái gọi là nền giáo dục hiện nay phải đứng lên.  

Một dân tộc trường tồn, một quốc gia cường thịnh chỉ có được từ một nền tảng giáo dục vì con người (nhân văn và nhân bản), thầy ra thầy, trò ra trò, phụ huynh ra phụ huynh. Đó là một nền giáo dục tử tế, mà trong đó những nhà giáo dục tử tế đưa vào cuộc đời những con người tử tế.

Ở đây, tôi không quy kết tất tần tật cho chế độ. Bởi bất luận thế nào, chế độ cũng chỉ do những người cầm quyền lập ra. Và tôi tin rằng bất cứ chế độ nào cũng không thể làm trái ý của đa số người dân – đặc biệt là với những vấn đề quốc kế dân sinh, cũng như bất cứ chế độ nào cũng muốn đất nước cường thịnh và rạng rỡ với năm châu bốn biển. Chế độ nào giờ cũng phải thấm nhuần bài học Đông Tây kim cổ về số phận của những chế độ mưu toan áp dụng chính sách ngu dân để dễ bề cai trị.

Mà có khi nào tôi bình tâm ngồi tự vấn rằng: phải chăng bấy lâu nay tôi đã cam lòng chấp nhận một sự giáo dục như vậy, coi nó như mặc định mà bất cứ ai sinh ra và sống ở xứ này đều phải trải qua như vậy. Tôi không dám hỏi câu này với những bạn bè mình ngày càng thêm đông đã may mắn hay biết nhìn xa trông rộng có đủ điều kiện để tìm cho con em mình những con đường “thoát… dục”.

Có khi nào tôi quỳ gối tự phạt mình vì đã quá nhiều lần lòng sùng sục sôi nhưng đun bằng lửa rơm nên chỉ một cơn gió thoảng vô tình là đã lạnh tanh để rồi dòng đời cứ mãi lạc trôi một cách xuyên suốt trước sao sau vậy bây giờ cũng thế. Hậu quả là những chuyện bậy bạ cứ hết lần này sang lần khác xảy ra, cái sau đau lòng hơn cái trước.

Có khi nào tôi trăn trở với thắc mắc mà chắc chắn con cháu sẽ hỏi mình: Vì cớ làm sao đã 42 năm đất nước thống nhất rồi mà nền giáo dục vẫn chưa thể định hình, chẳng giống ai trên thế giới nên cũng không được bao người công nhận cho dù ngày càng hội nhập sâu rộng vào cộng đồng quốc tế, vẫn mãi còn loay hoay thử nghiệm với bao lứa học sinh bị người lớn làm cho lãng phí những năm tháng cuộc đời mình lẽ ra được tập trung cho việc học tập thành con người. Nói chi xa và viễn vông, tôi luôn cảm thấy mình có lỗi với con trai mình khi sự tắc trách dẫn tới bất nhân của những người lớn có trọng trách cách đây 3 năm đã phá tan giấc mơ đại học mà nó háo hức chuẩn bị và có được điểm thi quá an toàn so với điểm chuẩn nhiều năm về trước.

Sự bắt đầu phải chăng là từ chấn hưng giáo dục? Tại sao không?

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.