Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Bữa nay 17-3-2018 thiệt là thần thái…

 

Gỡ bỏ cả một xấp tờ lịch làm biếng gỡ trên cuốn lịch bloc siêu đại cho ló ra tờ lịch in ngày trên thứ Bảy 17-3-2018 và ngày dưới 1 tháng 2 năm Mậu Tuất.

+ Vào lúc 10g24ph sáng 17-3, cỗ quan tài mang thi hài Đức cố Tổng giám mục Phaolo Bùi Văn Đọc đã nằm yên trong lòng đất mẹ sau 74 năm làm con người. Ông được mệnh danh là vị giám mục nhân hậu, vị mục tử của niềm vui, giống như câu châm ngôn giám mục của ông được lấy từ Thánh Vịnh “Chúa là niềm vui của con”. Giáo hội Công giáo Việt Nam cách riêng mất thêm một vị chủ chăn có đức và có tài rất thực chất. Thương tiếc, thậm chí đau buồn, cùng cực, nhưng vẫn “xin vâng theo ý Cha, đừng theo ý con”. Với đức tin, người Công giáo không coi đây là “bị chết” mà là “được Chúa gọi về Nhà muôn đời”. Buồn vì đột ngột mất một người thân yêu. Vui vì người thân yêu đươc chết thánh thiện trong bàn tay quan phòng của Thiên chúa. Đức cố TGM Phaolo đã ra đi với nhiều chi tiết đặc biệt mà bài giảng của linh mục Giuse Vũ Công Trác, Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse Saigon, đã nói trong Thánh lễ cầu nguyện cho Đức Tổng khi ông vừa được di quan từ Tòa Tổng giám mục Saigon trên đường Nguyễn Đình Chiểu tới Nhà thờ Chánh tòa Saigon sáng sớm thứ Sáu 16-3. Đức Tổng Phaolo đã đột quỵ và qua đời ngay sau đó trong chuyến hành hương Ad Limina truyền thống tới Vatican của Hội đồng Giám mục VN sáng sớm 7-3-2018 và linh cữu ông đã được máy bay chuyển từ Rome (Ý) về tới Saigon lúc gần 19g tối 15-3-2018. R.I.P. Đức Tổng Phaolo trong tình yêu và niềm tin Phục sinh của Đức Kito. Xã hội Việt mất thêm một người lành đáng kính.

Thánh lễ an táng Đức cố TGM Phaolo Bùi Văn Đọc sáng 17-3-2018. (Ảnh: Internet. Thanks)

+ Vào lúc 1g30 sáng 17-3-2018, ông Phan Văn Khải, cựu Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, đã qua đời tại quê nhà Củ Chi ở tuổi 85 sau một thời gian dài bạo bệnh. Ông được coi là một người đồng quan điểm và kế nhiệm xuất sắc Thủ tướng Sáu Dân Võ Văn Kiệt. Ông đã góp công lớn trong nỗ lực cải tổ kinh tế mở trói cho doanh nghiệp, và chia sẻ rằng ngay từ khi còn là lãnh đạo của TP.HCM, ông đã nhận ra rằng kinh tế quốc doanh (nhà nước) đầy bệnh tật và yếu kém của VN không thể nào giữ vị thế nền tảng, đầu tàu trong phát triển kinh tế đất nước. Ông tâm đắc chân lý: dân có giàu, nước mới mạnh. Luật Doanh nghiệp 1999 có nhiều dấu ấn của ông. Ông cũng góp nhiều công lao trong việc phát triển mối quan hệ hợp tác song phương Việt Nam – Hoa Kỳ và là người đứng đầu chính phủ VN đầu tiên sang thăm Hoa Kỳ (tháng 6-2005). Tùy não trạng và góc nhìn mà người ta coi đây là ưu điểm hay khuyết điểm của ông, đó là ông tuyệt đối phục tùng tổ chức. Một bạn đồng nghiệp làm báo của tôi (nay đã đi chơi rất xa) kể có lần ông Sáu Khải nửa đùa, nửa thiệt nói với mấy nhà báo thân thiết đại ý: Làm thủ tướng đâu có gì mệt, mọi chuyện đã có Đảng quyết hết rồi. Tháng 6-2006, ông ra trước Quốc hội xin từ nhiệm sớm 1 năm trước khi mãn nhiệm kỳ Thủ tướng thứ hai. Ông nói với Quốc hội là mình nhận lỗi, nhận trách nhiệm vì tệ nạn quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, đục khoét của công đang ngày thêm tệ hại hơn. Về hưu sống ở Củ Chi, vị cựu Thủ tướng nổi tiếng là một nhà cải cách và đổi mới nhưng có lối sống bình dị, dân dã, chan hòa này được người dân địa phương thương kính gọi là ông Sáu Khải, bác Sáu Khải. Khi gia đình kiên quyết quàn ông tại nhà và an táng tại đất nhà ở Củ Chi, nghe nói Hà Nội đã cử 2 ủy viên Bộ Chính trị, 1 thành viên Ban Bí thư trực tiếp vào gặp để thuyết phục gia đình cho quàn ông tại Dinh Thống Nhất và chôn tại Nghĩa trang Thành phố. Cuối cùng là giải pháp, vào ngày 20-3, ông sẽ được đưa tới một địa điểm khác để nhà nước tiến hành lễ quốc tang cho nghi lễ viếng, rồi sau đó được đưa về an nghỉ tại đất nhà ở Củ Chi. Trước khi di quan ông tới nơi làm lễ quốc tang cho ông phục tùng tổ chức lần cuối, dù lần này phải chia nửa vầng trăng cho những người thân yêu, gia đình ngay trong ngày ông mất 17-3 và kéo dài hết ngày 19-3 quàn ông tại nhà cho mọi người, bà con lối xóm tiện tới viếng. Xã hội Việt mất thêm một người tử tế (ít nhất là so với mặt bằng chung).

Thủ tướng Phan Văn Khải gặp Tổng thống Mỹ George Bush tại Nhà Trắng tháng 6-2005. (Ảnh: Internet. Thanks)

+ Hôm nay là ngày lễ Thánh Saint Patrick’s Day của người Công giáo, Anh giáo, Tin lành, Chính Thống giáo phương Đông,… Đặc trưng của ngày lễ hội tôn giáo và văn hóa lâu đời này là người ta ăn mặc, hóa trang, diễu hành,… với màu chủ đạo là xanh lá cây (green). Đức giám mục truyền giáo người Anh này mất ngày 17-3 năm 461 ở Ireland. Ngài được coi là một trong những người đưa đạo Công giáo Rome vào Ireland. Một ngày tràn ngập màu xanh của tươi mới.

Diễu hành mừng lễ Saint Patrick’s Day ở Mỹ. (Ảnh: Internet. Thanks.)

+ Và hôm nay là ngày ăn chay mùng 1 của người theo đạo Phật. Tôi ăn chay ké trong gia đình hòa đồng tôn giáo của mình. Có lẽ gọi chính xác là chay đụng với 2 món chủ lực là khô cá lóc ướp ớt chiên và tàu hũ chiên kho đậu đũa. Một ngày cuối tuần cố tìm cho mình chút an yên tự tại.

Ờ mà tám với tôi tới đây, bạn có thấy gì không? Đã tròn 1 tháng sau Tết Mậu Tuất rồi đó. Đã mất hơn 2 tháng rưỡi của năm 2018 rồi đó. Hết tháng Giêng là tháng ăn chơi rồi đó. Thứ Hai tới là mùng 3 tháng 2 Mậu Tuất, những ai mới tỉnh giấc vui xuân sẽ bắt đầu những tháng ngày cày bừa sấp mặt luôn bù cho khoảng thời gian chộn rộn mất tập trung quá dài cho đầu năm vui xuân chơi tết – bất chấp không chết cũng lết.

Tôi thì phải tự AQ lên dây cót tinh thần cho mình bằng cách giương cao ngọn cờ lạc quan hóa với slogan lấp lánh những chữ vàng gold “Vui quá, chỉ còn 11 tháng nữa là tới Tết Kỷ Hợi và chưa đầy 9 tháng rưỡi nữa là sang năm 2019”.

Thật là hoang mang trong thần thái mang mang…

PHẠM HỒNG PHƯỚC