Thứ Ba ngày 05 tháng 11 năm 2024

Đừng tranh cãi đúng sai nữa, hãy nghĩ cách để không lặp lại…

 

Mấy bữa nay, trên mạng sôi nổi những tranh cãi về vụ tai nạn giao thông chết người có lẽ lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam: một chiếc xe cứu hỏa đi làm nhiệm vụ chạy ngược chiều trên đường cao tốc ở Hà Nội và gây ra tai nạn với một chiếc xe khách chạy đúng chiều. Tai nạn xảy ra cuối buổi chiều 18-3-2018 trên đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (Hà Nội).

Tôi tránh dùng cách nói xe nào tông vào xe nào vì trong trường hợp này dễ dẫn tới suy diễn xe nào có lỗi. Clip ghi hình lúc xảy ra tai nạn hiện có đầy trên mạng có thể giúp người xem hình dung rõ hơn sự việc.

Chuyện ai đúng ai sai sẽ do cơ quan chức năng xử lý. Chung cuộc vẫn phải dựa vào luật lệ hiện hành mà cân phân. Việc phân tích thêm những tình tiết, yếu tố chung quanh thực tế có thể được coi là tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ tội trạng.

Tất nhiên, ai cũng có quyền bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình, đặc biệt là trên mạng xã hội. Ích lợi của điều này là giúp rộng đường dư luận, có thêm ý kiến nhiều chiều. Nhưng nhược điểm của nó là dễ gây rối tung rối mù. Tranh cãi là chuyện khó thể tránh khỏi rồi, thậm chí có cả Unfriend cắt đứt dây chuông với nhau, nhất là khi binh ai đó.

Theo thiển ý của tôi, điều cần nhất cho tương lai là mọi người góp tâm sức nghĩ cách nào để tránh lặp lại những tai nạn như thế này trong tương lai.

Luật Giao thông đường bộ hiện hành (Luật số 23/2008/QH12) được Quốc hội thông qua 13-11-2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2009 để thay thế Luật năm 2001 được soạn thảo khi Việt Nam chưa có nhiều đường cao tốc như hiện nay. Mà kiểu soạn luật của ta, ai cũng rõ rồi, ngay với thực tế hiện tại thường là đã có nhiều bất cập, thậm chí chưa thực thi đã phải sửa, đừng nói chi tới khả năng dự phóng cho tương lai.

Trong khi đó, theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đến hết năm 2020, Việt Nam sẽ đầu tư khoảng 2.500km đường cao tốc, tập trung ưu tiên vào các đoạn cao tốc Bắc Nam phía Đông, các tuyến ở khu vực vùng thủ đô Hà Nội, TP.HCM và các tuyến nối với các cảng biển, cửa khẩu quốc tế. Tính đến tháng 3-2016, cả nước đã hoàn thành đưa vào khai thác 12 tuyến cao tốc, tập trung ở phía Bắc: Đại lộ Thăng Long (30km); Liên Khương – Đà Lạt (19km); Pháp Vân – Cầu Giẽ (30km); Cầu Giẽ – Ninh Bình (50km); đường vành đai 3 Hà Nội đoạn Phù Đổng – Mai Dịch (28km); Hà Nội – Lào Cai (264km); Hà Nội – Thái Nguyên (62km); Hà Nội – Hải Phòng (105km); Hà Nội – Bắc Giang (46km); TP.HCM – Trung Lương (40km); TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (51km) và tuyến nối Nội Bài – Nhật Tân (21km). Còn hàng chục tuyến cao tốc khác đang thi công hay có kế hoạch thi công.

Sở dĩ phải nhấn mạnh tới loại hình đường cao tốc vì đây là loại đường lưu thông đặc biệt, đòi hỏi từ việc quản lý điều hành cho tới lái xe trên đó phải rất “thần thái”, không giống như tập quán giao thông trước nay. Thử hỏi, với tốc độ xe chạy có thể lên tới 120km/giờ thì chẳng phải thuộc dạng vừa. Mất tập trung một chớp mắt cũng có thể gây ra nhắm mắt ngàn thu cho mình và những nạn nhân khác.

Luật giao thông ở Việt Nam cũng giống như hầu hết các nước khác, kể cả Mỹ, cho phép các loại xe cấp cứu (cứu thương, cứu hỏa) làm nhiệm vụ khẩn cấp (có bật đèn và hụ còi ưu tiên) được chạy trên bất cứ đường nào và theo bất cứ chiều nào (kể cả chạy ngược chiều trên cao tốc). Nhưng, chẳng hạn như ở Mỹ, người ta khuyến cáo các xe ưu tiên đó phải rất cẩn trọng khi thực hiện quyền lưu thông ưu tiên của mình, càng đặc biệt cẩn trọng hơn khi buộc phải chạy ngược chiều. Và cho dù được ưu tiên, người lái xe ưu tiên vẫn không được phép khiến người khác bị nguy cơ đe dọa tính mạng. Luật cũng quy định rõ, những người lái xe đúng chiều đúng làn, nhưng khi phát hiện xe ưu tiên chạy cùng chiều hay thậm chí ngược chiều, mà vẫn cố tình không chịu nhường đường bằng cách sang làn bên phải, chạy chậm hay dừng lại ở nơi có thể dừng thì sẽ bị phạt rất nặng.

Khi xem clip quay tai nạn giữa xe cứu hỏa và xe khách ở cao tốc Hà Nội chiều 18-3-2018, người ta có thể thấy rõ ràng xe cứu hỏa dùng quyền ưu tiên của mình nhưng theo cách quá mạo hiểm (tôi không dám dùng chữ bất cẩn hay bất chấp). Việc lái xe từ đường rẽ băng ngang cắt đầu tới 3 làn xe cao tốc coi như chấp nhận khả năng bị đụng gấp 3 lần. Cũng may là lúc đó không có xe nào khác lao tiếp vào. Có người cho rằng phải chi xe cứu hỏa trước hết hãy đi vào làn đường dừng khẩn cấp rồi sau đó mới tính tiếp. Ở đây, tôi không phân tích clip và cũng không suy diễn về các xử lý của hai bác tài.

Việc đòi hỏi tất cả các tài xế đều phải diễn tập, thuần thục trong việc xử lý những nguy cơ khi giao thông như gặp xe chạy ngược chiều cũng khó thực tế. Nhưng điều này lại là cần thiết và có thể làm đối với những người lái những loại xe đặc biệt thuộc loại cấp cứu vì số lượng ít và họ là những người chuyên nghiệp (nghề của chàng).

Phải chăng cần cảnh báo: chúng ta đang xây dựng, điều hành và chạy xe trên hệ thống đường cao tốc như thể quốc lộ được phép chạy nhanh.

Cũng theo thiển ý của tôi, do đặc thù của xứ mình, nếu không sửa được luật giao thông, ta vẫn cần có chí ít là thông tư lưu ý các cơ quan cấp cứu không cho xe chạy ngược chiều trên đường cao tốc. Để cứu 1 người có thể làm chết nhiều người thì chẳng nên chút nào. Điều này chẳng hề thừa khi tệ nạn lạm quyền ưu tiên ở ta không phải là phổ biến mà là rất phổ biến. Ở xứ người, để có thể chạy ngược chiều trên đường cao tốc, người lái xe cấp cứu đã được huấn luyện kỹ lưỡng và nắm chắc các quy định an toàn đồng thời ở trong toàn cảnh là được cả hệ thống điều phối giao thông hỗ trợ. Chẳng hạn, khi có xe chạy ngược chiều, các biển báo giao thông lập tức xuất hiện thông báo cảnh báo cho các người lái xe biết từ xa, việc đóng làn, phân luồng được triển khai. Nói ra có vẻ sai sai, nhưng xem clip vụ cao tốc Pháp Vân, có lẽ trong khoảng cách quá gần như thế, việc xe khách đâm thẳng vào hông (may là không trực diện vào đầu) xe cứu hỏa có thể ít gây thương vong cho hành khách hơn là thắng gấp hay bẻ cua gắt trên đường ướt đẫm nước mưa.

Một vụ xui xẻo cho một số người nhưng có thể là một bài học quý giá tính bằng những mạng người cho nhiều người. Vấn đề muôn thuở vẫn là ta có biết học và chịu học không, nhất là khi con người hiện đại rất dễ quên.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh trích từ video clip.