Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Có lẽ Lào giờ đã nghĩ lại…

PHP RỦ RÌ RÙ RÌ

 

Hôm qua, trang Online của một tờ báo có đông người đọc đưa tin về lễ trao danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) tại Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam và đã giựt tít “Lào muốn học hỏi Việt Nam về việc xét duyệt GS, PGS”.

Thiệt là trớ trêu tới tức cười khi ngay bên dưới có hiển thị 3 đường dẫn tới 3 bài báo về vụ lùm xùm “chuyến tàu chót GS-PGS” vừa qua với những thông tin như “chọt lét” vào cái tít bự: Kiểm điểm 31 viện, trường xác nhận sai giờ giảng cho ứng viên GS, PGS; Xét GS, PGS: Sẽ kiểm điểm trường xác nhận sai giờ giảng,…

Nhưng điều mà tôi nghĩ, chắc hẳn các bạn Lào có nhiều tâm trạng khác nhau (kể cả thần lào khi theo trend của bạn láng giềng thần thái) khi đọc cái tin với cái tít này. Thậm chí có người ắt phải ca cả hai bài Duyên Phận 1 và 2 nữa khi biết rằng hôm qua trên cõi Phây đã có những lời “đau đớn cho lòng nhau” ngụ ý rằng bộ hết thầy để học rồi sao lại học Việt Nam về cái chuyện ngay chính người Việt còn đang… hết hồn này.

Thiệt ra, khi đọc cái tin của tờ báo, ngay ở đoạn 2, vị Tổng thư ký Hội đồng chức danh GS nhà nước, hồn nhiên khoe rằng… “Có điều khá thú vị, cách đây gần một năm, Sứ quán Lào, Chính phủ Lào có đề nghị Bộ GD-ĐT và hội đồng chức danh GS của Việt Nam – dù chúng ta chưa khá gì, còn nhiều khiếm khuyết lắm – từng bước tư vấn để giúp Lào xây dựng quy trình  xem xét, bổ nhiệm GS cho Lào. Tôi nghĩ đó là điều tuyệt vời.”

Như vậy, các bạn Lào có cái ý này – cho dù chưa biết chỉ là xã giao đãi bôi hay là thiệt tình – cách đây gần 1 năm. Nghĩa là trước khi đổ bể ra cái vụ lùm xùm phong GS-PGS đợt cuối theo tiêu chuẩn cũ. Nghĩa là có thể bây giờ các bạn Lào đã…hú hồn!

Vậy nên, chuyện cũ cũng có những cái không nên “đào mộ” lên hay phải “khai quật đúng nơi, đúng lúc kẻo chúng có thể khiến liền anh, liền chị đều lúng túng.

P/S: Mấy bữa nay tôi có ý nói rằng chuyện xét phong GS-PGS ở ta đã sai ngay từ nền tảng – vì đó là học hàm của giới học thuật và chỉ có giá trị với những người đang tham gia giảng dạy nên phải để cho các trường đại học xét phong các GS-PGS cho trường mình. Hầu như các nước khác đều làm như vậy bao đời nay. GS là chức danh học thuật về một môn cụ thể của một trường đại học cụ thể và có nhiệm kỳ cụ thể, hết dạy ở đó cũng mặc nhiên là hết còn được coi là giáo sư của trường đó.

Chẳng hạn như cựu nữ Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice. Bà là giáo sư môn khoa học chính trị của Đại học Stanford (từ năm 1993 tới tháng 7-2000). Suốt trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2000 của ông Georg W. Bush (đảng Cộng hòa), bà Rice xin nghỉ phép một năm tại Đại học Stanford để dành thời gian làm việc với cương vị cố vấn về chính sách ngoại giao của ứng cử viên Bush. Sau khi ông Bush đắc cử, tháng 12-2000, bà Rice từ nhiệm khỏi Stanford để đảm nhiệm chức vụ Cố vấn An ninh Quốc gia. Và từ đó, người ta không còn thêm học hàm GS kèm theo tên của bà Rice nữa.

Bây giờ, tôi mới sực hiểu, GS-PGS ở Việt Nam được coi là một “chức danh Nhà nước” chớ không phải là một học hàm. Vì thế chẳng trách mà GS-PGS là do nhà nước phong tặng và có thể phong tặng cho các quan chức nhà nước, đồng thời hầu như có giá trị trọn đời (nếu không bị tước). Và cũng vì thế mà GS-PGS của ta có thể bị lạc lõng giữa circle học thuật quốc tế.

PHẠM HỒNG PHƯỚC