Cảm thấu và thấu cảm…
Từ ít năm nay chúng ta vẫn thường nghe tới cái từ “cảm thấu” hay “thấu cảm” để diễn tả một sự cảm thông sâu sắc, xuyên thấu tới tận tâm can con người. Thậm chí từ này còn được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào đề thi Ngữ văn trong cuộc thi Trung học phổ thông quốc gia 2017 và gây nhiều tranh cãi về sự khó hiểu của nó, cũng như khi nói bị coi thuộc loại từ Hán Việt.
Thiệt ra, theo tôi, “thấu cảm” là một từ ra đời từ thói quen ghép từ của chúng ta. Có thể nó được ghép từ “thấu hiểu” và “cảm thông” để nhấn mạnh ý nghĩa hiểu biết và cảm thông một cách sâu sắc. PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, cho biết từ “thấu cảm” đã có trong Từ Điển Tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng 2015, 2017).
Mà thôi, tôi không phải là một nhà ngôn ngữ học. Tôi chỉ là một kẻ nhiều chuyện trong cõi Net. Vì thế, tôi xin được quyền hiểu từ “thấu cảm” theo cách riêng như vầy.
À mà bạn có biết món thịt bò bóp thấu không?
Đó là món gỏi với những miếng thịt bò mềm xắt mỏng bóp với nước cốt chanh và một số gia vị cho ngấm đều và sâu (thấu) vào nhau. Những miếng thịt bò nhỏ và mỏng đó sẽ chín tái và ngấm các gia vị. Một trong các điều kiện để món bò bóp thấu thơm ngon là bóp cho thiệt thấu.
Vậy nên, thấu cảm cũng như thịt bò bóp thấu á. Tâm trạng, con tim của ta như miếng thịt bò. Còn sự chia sẻ, cảm thông của người khác như nước cốt chanh và những món gia vị. Nào, bạn hãy bóp cho mạnh tay đều tay vào cho nó thấu cảm hén.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Ảnh: Internet. Thanks.