Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Chẳng cho không, nhưng phí cực rẻ…

 

Xưa nay, ta đã quá quen với câu nói: Mỹ chẳng cho không ai cái gì.

Xưa nay, ta cũng đã từng nghe khuyên rằng: chớ nên cho không ai cái gì vừa khiến người ta có cảm giác của ôi hay bị bố thí, vừa về lâu về dài có thể làm cho người ta quen với cái tâm lý chỉ thích nhận của miễn phí, được hưởng thụ mà không cần phải làm gì. Nếu không có mục đích kinh doanh thì chỉ cần đặt ra một mức phí cực rẻ để ai cũng có thể tiếp cận. Bởi khi ta trả ai dù chỉ 1 đồng, ta cũng là người trả tiền, tâm thế ngời ngời, tâm trạng hứng thú, thần thái chói chang.

Vì thế, sáng nay, trong lúc tìm kiếm thông tin về vụ bộ tam sên Mỹ-Anh-Pháp không kích vào những mục tiêu vũ khí hóa học ở Syria sáng 14-4-2018, tôi thấy trên trang điện tử của báo Mỹ The New York Times cái pop-up đề nghị người đọc ghi danh thuê bao. Phí cực rẻ, chỉ cần 1 USD là có thể tẹt ga truy cập các thông tin của báo này trong một tuần. Just $1 a week.

 

Báo Mỹ The Washington Post cũng đưa ra mức phí để được đọc báo này trên Internet là 1 USD cho 4 tuần đầu tiên và sau đó là 6 USD/4 tuần.

Chỉ có điều là một đồng nghiệp làm báo, tôi cảm thấy mình cùng tâm trạng với “Đôi mắt người Sơn Tây. U uẩn chiều lưu lạc…” trong bài thơ Đôi Mắt Người Sơn Tây năm 1949 của nhà thơ Quang Dũng khi đọc dòng mào đầu của message này. Các bạn Mỹ viết: “Help New York Times journalists uncover the next big story.” (Hãy giúp các nhà báo NYT khám phá câu chuyện lớn kế tiếp). Hãy giúp các nhà báo chỉ với 1 USD. Không tan chảy Iron Heart mới là… vô tâm. (Nhưng tin tôi đi, tôi chớ hề liên tưởng chi tới cái phong trào Ký giả đi ăn mày mang tính chính trị ở Saigon trước 1975).

Việc các bạn NYT làm không có gì mới ở Mỹ. Không ít báo đã làm từ lâu. Như tờ USA Today cho phép đọc miễn phí các thông tin xuất bản trong ngày, còn nếu muốn tham khảo các tin bài của những ngày trước, bạn phải trả tiền 1 USD/bài. Họ không ăn mày hay tận thu, tận vét mà là sòng phẳng. Họ không hạ thấp giá trị tờ báo mà chủ yếu muốn nâng phẩm giá của người đọc lên.

Thương!

PHẠM HỒNG PHƯỚC