Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

GAP lâm nạn với những chiếc áo thun in bản đồ Trung Quốc

Báo Anh The Guardian (15-5-2018) dẫn tin của hãng tin Anh Reuters đưa tin: hãng thời trang quốc tế nổi tiếng của Mỹ GAP vừa phải xin lỗi người dân Trung Quốc vì bán ra lô áo thun có in hình bản đồ Trung Quốc trái với quy định của Bắc Kinh. Cụ thể là tấm bản đồ Trung Quốc này thiếu đảo Đài Loan, lãnh thổ Tây Tạng và cả đường lưỡi bò 9 khúc bao chiếm Biển Đông. GAP đã cho thu hồi các chiếc áo thun T-shirt này ra khỏi thị trường Trung Quốc và nói rằng sẽ tiêu hủy chúng.

Trong lời xin lỗi đăng trên tài khoản của mình ở mạng Weibo tối 14-5-2018, GAP viết: GAP Inc. tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Chúng tôi đã hiểu được rằng một mẫu áo T-shirt mang thương hiệu GAP bán ở một số thị trường nước ngoài đã không phản ánh được bản đồ chính xác của Trung Quốc. Chúng tôi chân thành xin lỗi về lỗi không có chú ý này.” GAP nói thêm là họ sẽ tiến hành việc xem trước kỹ lưỡng để tránh xảy ra trường hợp tương tự.

Mọi chuyện bắt đầu từ sau khi một người post những tấm ảnh chụp những chiếc áo T-shirt GAP này trên mạng truyền thông xã hội Weibo. Chỉ có điều, những hình ảnh này được chụp tại một cửa hàng thời trang ở tận… Canada.

Vụ GAP xảy ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang tăng cường các biện pháp chính trị và tuyên truyền rộng khắp thế giới về những yêu sách chủ quyền lãnh thổ của mình đối với các nước láng giềng. Trước GAP, một số công ty khác của Mỹ như hãng hàng không Delta Air Lines và hệ thống khách sạn Marriott International cũng đã phải xin lỗi vì những sự cố tương tự.

Cách đây không lâu, cũng trong tháng 5-2018, Nhà Trắng Mỹ đã phê bình gay gắt việc Bắc Kinh bắt buộc các hãng hàng không quốc tế có chuyến bay tới Trung Quốc phải thay đổi mô tả về Đài Loan, Hong Kong và Macau trên các website của họ theo hướng xác định đó là những lãnh thổ của Trung Quốc. Nhà Trắng gọi đây là “sự vô lý kiểu Orwellian” – Orwellian nonsense. (Orwellian xuất phát từ tên của nhà văn Anh gốc Ấn Độ George Orwell – người đã viết cuốn tiểu thuyết Nineteen Eighty Four (1984) mô tả một môi trường chính trị mà nhà cầm quyền cố gắng kiểm soát mọi mặt cuộc sống người dân, hủy diệt một xã hội mở và tự do.

Năm 2012, khi lần đầu tiên ứng dụng chip ID vào passport, Bắc Kinh cũng cho in lên nền các trang hộ chiếu bản đồ Trung Quốc bao gồm các vùng lãnh thổ đang tranh chấp với Ấn Độ, Đài Loan và cả đường lưỡi bò 9 khúc bao chiếm gần hết Biển Đông của các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Hễ nước nào đóng dấu nhập cảnh lên các passport đó là có thể bị coi như thừa nhận yêu sách của Trung Quốc.  

Thật ra, hành động xin lỗi và sửa sai của GAP chỉ đơn thuần mang tính kinh doanh. Đừng chụp mũ chính trị cho họ. Nhập gia tùy tục. Nếu muốn kinh doanh kiếm tiền ở thị trường Trung Quốc lớn nhất hành tinh (gần 1,4 tỷ người), doanh nghiệp nước ngoài nào cũng phải tuân thủ các quy định của nước sở tại. Cụ thể hơn nữa là với cái bản đồ này, GAP chẳng có gì bị ảnh hưởng bởi họ là doanh nghiệp Mỹ. Có quan tâm thì là ở cái chi tiết, ngay cả bản đồ in trên áo bán ở nước khác cũng nằm trong vùng phủ sóng.

Và có trách chăng là GAP tự chuốc họa vào thân khi xí xọn in bản đồ nước người ta lên áo của mình rồi còn đem bán ở nước khác như thể tiếp tay quảng bá lấy lòng Bắc Kinh. Chết chưa con!

Cũng chẳng có gì là ngạc nhiên. Nếu như GAP in bản đồ Việt Nam trên áo bán ở Việt Nam thì cũng phải tuân thủ quy định bao gồm 2 hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa – điều làm ngứa mắt phía bên kia ải Nam Quan.

Từ lâu nay, Bắc Kinh đang thực hiện chiêu thức “nhìn lâu riết quen, nghe lâu riết nhớ” khi lồng ghép các yêu sách chủ quyền lãnh thổ của mình vào bất cứ thứ gì mà họ có thể làm được. Họ thừa tiền và dư óc sáng tạo để làm điều đó. Bộ phim truyện hành động Điệp Vụ Biển Đỏ – Hồng Hải Hành Động (Operation Red Sea) là một dẫn chứng. Còn nóng hôi hổi là những chiếc áo thun đồng phục in bản đồ Trung Quốc có hình đường lưỡi bò được một nhóm du khách Trung Quốc mặc nhập cảnh vào Cam Ranh tối 13-5-2018. Mà cũng đừng có trút hết giận dữ vào họ, nhất là khi họ là người dân Trung Quốc. Mọi gạch đá của Dang Cư Mận hãy chỉnh hướng về những ai đã để cho những “cái lưỡi bò” đó bò lổm ngổm trên lãnh thổ Việt Nam.

Những nước đã nhỏ mà còn là “nhược tiểu” (đặc biệt là “nhược tiểu tự phong”) vẫn thường phải gánh chịu những bi kịch định mệnh bởi những nước láng giềng lớn chà bá bự bà cố. Vậy nên, muốn giữ được thần thái, đòi hỏi từng người dân phải có ý thức bảo vệ chủ quyền, sự toàn vẹn và phẩm giá Tổ quốc của mình. Chớ có dại dột cả tin mà phó mặc tất cả cho các nhà chính trị cầm quyền.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Áo thun in hình bản đồ Trung Quốc chào bán trên website của hãng GAP.