Sao lại chọn cách “chạy đi” như vậy?
Tôi chớ hề có ý tham gia tám về cái MV mà ca sĩ Sơn Tùng MT-P vừa tung ra đã thành công chói lóa về số lượng người xem giữa ồn ào trên thế giới truyền thông mạng về những yếu tố tôn giáo.
Trước tiên, tôi không phải thuộc thế hệ và dòng nhạc của bạn này. Tôi không muốn bị ai áp đặt nên cũng chưa bao giờ dám áp đặt ý nghĩ, sở thích cá nhân của mình cho ai. Mà chuyện đẹp xấu, hay dở trong nghệ thuật nó cực ảo tung chảo, tùy thuộc vào góc nhìn của mỗi người, dù rằng vẫn có những chuẩn chung hoàn vũ.
Thứ tới, tuy là một người Công giáo đạo dòng (không phải chuyên gia đi lòng vòng quanh nhà thờ cho hết lễ rồi về đâu), nhưng tôi không hề mù quáng, định kiến và luôn chân thành tôn trọng các tôn giáo bạn. Tôi được dạy rằng chớ có ngu si mà lao vô tranh cãi về tôn giáo và ý thức hệ chính trị. Tôi đi nhà thờ Công giáo mà cũng chẳng hề ngần ngại vô chùa, thánh thất Cao đài, thánh đường Tin lành, nhà thờ Hồi giáo,… với lòng tôn kính các vị Thượng đế của các bạn bè mình.
Nhưng lúc trưa thứ Bảy 19-5-2018 này, khi nằm vắt chân lên trán nghĩ chuyện thay đổi cả vũ trụ bắt đầu bằng việc chấn chỉnh bản thân mình, tôi tình cờ đọc được một bài báo dài 2 trang trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần tuần này. Bài báo viết về MV của Sơn Tùng MT-P. Rảnh rỗi sinh nông nỗi nên tôi đọc thử. Và rồi sau đó tôi tìm trên trang báo có chỗ nào ghi là “ý kiến bạn đọc” không, nhưng chẳng thấy. Vậy đây là quan điểm của tờ báo. Vốn là một người viết từng gắn bó rất nhiều năm với tờ báo này, từ hồi nó mang tên Tuổi Trẻ Chủ Nhật, tôi chỉ dám nghĩ một cách ngây thơ và trong sáng rằng có lẽ bạn biên tập viên mảng này do bận qua Thủ Thiêm thăm chừng điền thổ nên không đọc kỹ bản thảo. Ờ, mà cũng biết đâu là do trình độ đọc hiểu của tôi khác người?
Coi MV, ai cũng thấy rõ cái hình tượng tôn giáo, cụ thể là bức tranh Đức Mẹ Sầu Bi (tác phẩm Pietà này do họa sĩ Pháp William-Adolphe Bouguereau vẽ năm 1876), không hề chỉ là một yếu tố ngẫu nhiên mà được những người thực hiện dùng làm hình tượng, làm nền cho xuyên suốt câu chuyện – dù chẳng ăn nhậu gì với nhau. Những hình ảnh nhân vật chính (Sơn Tùng MT-P) cầm dao xông tới bức tranh mà đỉnh điểm là cảnh phóng con dao đi được cắt cúp khiến người xem dễ tưởng là “ăn thua đủ với bức tranh”. Rồi cuối cùng là cảnh nổi lửa đốt cháy cả bức tranh dễ khiến chàng ca sĩ nhà ta bị chụp cho cái mũ “kẻ đốt đền”. Thử hỏi, nếu như bức tranh chỉ vô tình nằm trong cảnh chàng trai diễn ở một viện bảo tàng thì đâu có phải đốt luôn nó (cảnh cháy tranh rất cụ thể và ấn tượng).
Người ta dễ tự hỏi, nếu như các tác giả muốn dùng khung cảnh bên trong viện bảo tàng nghệ thuật để cho thêm phần “sang trọng” (hay nên gọi cho chính danh là “sang chảnh”?), thì đâu nhất thiết phải chọn bức tranh tôn giáo nổi tiếng dễ nhạy cảm này. Viện bảo tàng thiếu chi tranh. Điều này càng thêm được khẳng định khi nội dung bài hát (nếu không có phụ đề hay lời nhạc chắc chẳng ai nghe hiểu được hết) chẳng có liên quan gì tới bức tranh hay về tôn giáo.
Tôi không dám trách Sơn Tùng MT-P mà chỉ định hướng về những người viết kịch bản, đạo diễn và sản xuất MV này. Chằng ca sĩ này đã nổi tiếng lắm lắm rồi, đầu cần phải gây scandal rẻ tiền để câu thêm view. Không thể phủ nhận rằng vì gây ồn ào mà có thêm nhiều người không hề là fan của ca sĩ vào xem MV giúp tăng lượng view chóng mặt. Nhưng chắc chắn rằng sẽ có một cơ số fan của bạn ấy là người Công giáo vì lòng tự trọng mà “ta chia tay nhau từ đây”. Chỉ cần các linh mục đề cập tới nó trong nhà thờ là coi như “the end”.
Trong những ồn ào, tranh cãi, mà không ít là ra sức bảo vệ, tôi thử hỏi một cách hồn nhiên: nếu như những người thực hiện MV này không dùng bức tranh Pietà mà dùng một tranh ảnh tôn giáo khác thì những tín đồ của tôn giáo đó sẽ phản ứng như thế nào? Xin đừng giận tôi nhé, tội nghiệp!
Nghệ thuật muốn tồn tại phải luôn được đổi mới, tìm tòi và sáng tạo. Nhưng những người thông minh và khôn ngoan luôn biết tránh những gì nhạy cảm có thể bị coi là xúc phạm tới một bộ phận cộng đồng.
Nhân tiện, thú thiệt, nếu chỉ xem MV mà không đọc các bài giới thiệu, tôi không hiểu chàng ca sĩ muốn truyền tải thông điệp gì? Liệu có bao nhiêu bạn có thể nghe đầy đủ lời của bài hát?
Thì ra “Chạy ngay đi” là tới… Bitis…
Nhờ một bạn thông tin, tôi mới biết rằng cái MV gây ồn ào và bất chấp đụng chạm tới tôn giáo của Sơn Tùng MT-P chẳng phải chỉ “vị nghệ thuật” gì ráo, mà cốt là để quảng bá cho một mẫu giày mới của hãng Bitis.
Chẳng hiểu nếu nói theo ngôn ngữ pháp luật, đây là “chủ mưu” hay “tòng phạm”? Tôi thì từ nay hễ mỗi khi nghe nhắc tới mẫu giày này là lại nhớ tới… à mà thôi!
PHẠM HỒNG PHƯỚC