Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Luật an ninh mạng là để lên mạng được an ninh…

 

Làm cách nào mà các góp ý của người dân tới được nhà cầm quyền nhanh, chính xác và hiệu quả nhất để giúp nhà nước có thể xem xét, tham khảo và nắm bắt được ý đồng bào, lòng nhân dân hòng có đối sách thích hợp và hoàn thiện công việc của mình? Case study mới nhất là việc cuối cùng trước giờ G ngày N, Quốc hội trong kỳ hợp thứ 5 Khóa 14 đã có một quyết định không thể nào tốt hơn trong thực tiễn tình hình là dời việc bấm nút thông qua dự luật về đặc khu sang kỳ họp lần tới (vào cuối năm 2018). Không cần qua các dư luận viên hay các cộng tác viên tuyên giáo. Đó là nhờ ưu thế và sức mạnh của các mạng truyền thông xã hội và hệ thống truyền thông online cả chuột (lề phải) lẫn bàn phím (lề trái). Và đó là một minh chứng cụ thể nhất cho cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.0 mà từ đầu năm 2018 tới nay từ thượng tầng kiến trúc ở trung ương cho tới hạ tầng cơ sở luôn coi như một trend thời thượng hô hào triển khai.

Nhưng vẫn còn có chuyện để băn khoăn. Theo chương trình làm luật của QH, khóa họp này sẽ thông qua dự luật về an ninh mạng do Bộ Công an soạn thảo.

Trong thời gian qua, rất nhiều người, gồm các chuyên gia trong và ngoài nước, thậm chí cả những vị “nguyên lão công thần” có công đưa Internet vào Việt Nam đã nhiệt thành góp ý, chỉ ra những cái còn nhiều bất cập trong dự luật không phải do những người chuyên môn và trực tiếp sống chết với lĩnh vực này soạn thảo. Càng đáng quan ngại sâu sắc hơn khi có những tổ chức quốc tế và đại diện ngoại giao nước ngoài cũng đã tham gia có ý kiến giúp hoàn thiện dự luật, không để nó xung đột và vi phạm các quy ước, các cam kết quốc tế của Việt Nam. Đây là thời đại mà Việt Nam cần phải đạt được sự hội nhập quốc tế sâu rộng hơn bao giờ hết để có thể chơi cùng thế giới, phát triển cùng thế giới, và đặc biệt là tranh thủ được sức mạnh đồng tình của bạn bè quốc tế. Đây là thời mà nước nào tự cô lập, đóng khung mình coi như là cô đơn, cô độc giữa biển đời ngày càng sóng gió ba đào.

Bài này hiện nay đã được gỡ khỏi trang báo này.

Có thể bất cập nếu như dự luật an ninh mạng được soạn thảo và có thể được thông qua bởi những người có quan niệm an ninh mạng chỉ gói gọn là quản lý thật chặt không gian mạng với kim bài là bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh chính trị, cụ thể là phòng chống việc cư dân mạng phát tán các nội dung mà nhà cầm quyền coi là có hại cho họ và các thành viên của họ – đặc biệt là các quan chức lãnh đạo. Họ không muốn, mà thiệt ra là không thể, nhìn an ninh mạng một cách thực chất và toàn diện hơn, đặc biệt là khi mạng hiện là một công cụ đa dạng, một nền tảng của cuộc sống công dân trong thời đại số và hội nhập quốc tế. An ninh chính trị thật ra chỉ là một mảng, một phần trong cuộc sống xã hội và chủ yếu thuộc về nhà cầm quyền. Vì thế, không thể với lý do do bảo đảm an ninh chính trị mà bắt các lĩnh vực khác của cuộc sống người dân phải chịu hy sinh phục vụ nó.

Tốt cho tất cả, luật an ninh mạng ra đời là để bảo đảm cho tất cả các hoạt động trên mạng được an toàn, thông thoáng và thật sự hữu ích cho tất cả cộng đồng. Tốt cho tất cả, luật an ninh mạng là để giúp cho mọi người có thể lên mạng mà vui chơi giải trí, học hành, giao dịch, làm ăn được nhà nước bảo đảm an ninh, an toàn. Và cũng có lẽ ta chẳng cần phải có thêm luật này khi đã có luật an toàn thông tin, luật hình sự và các luật định khác có liên quan. Tôi nghĩ, chỉ cần các luật hiện hành là đã đủ xử lý các hành vi phạm pháp. Lợi dụng mạng mà làm chuyện phi pháp, chống phá nhà nước, vu khống và xúc phạm người khác,… đều có thể bị xử lý theo luật hình sự hiện hành. Cứ việc rơi trúng điều khoản nào là xử theo điều khoản đó. Còn nếu thiếu và chưa hoàn chỉnh thì chỉ cần sửa luật hay ban hành các nghị định, thông tư.  

Công bằng mà nói, không thể trách những người soạn thảo luật này. Điều dễ hiểu là họ sẽ soạn luật sao cho đem lại lợi ích cho nhiệm vụ quản lý của ngành họ chớ đâu vì lợi ích của công chúng và của những người thực hiện và bị chi phối. Họ cũng dễ đẩy sự bất cập và bất lực về quản lý của mình về phía người thi hành luật bằng cách cài cắm các quy định bảo đảm an toàn cho họ. Luật An ninh Mạng do Bộ Công an soạn thảo tất nhiên được nhìn từ góc độ công an và đứng về phía công an.

Một số bạn trong giới công nghệ và pháp luật mấy bữa nay lo ngại rằng với những gì mà dự luật An ninh Mạng thể hiện, nếu nó được thông qua, người dân lên Facebook chỉ còn có thể gởi hoa, chúc mừng sinh nhật của nhau. Làm gì khác hơn cũng dễ bị dính luật của công an.

Liệu Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và trên nữa là Quốc hội có thể trình lên cấp cao hơn để làm một cú đúp bàn thắng đẹp cho dời việc thông qua dự luật An ninh Mạng lại hòng có thời gian hoàn thiện nó? Dù sao, chuyện dời việc thông qua dự luật đặc khu còn bự xự hơn mà vẫn làm được kia mà. Kế sách muôn đời của nhà cầm quyền muốn được trường tồn vẫn là thuận theo ý dân và chinh phục được lòng dân. Dân có an thì nước mới bình để mà thịnh vượng.

Thiệt tình, tôi không hiểu các vị có quyền bấm nút thông qua dự luật có nghĩ tới cảnh tan cuộc họp về nhà mình sẽ bị vợ con cô lập, ông bà nội ngoại giận hờn, dòng họ lơ là, xóm giềng nghỉ chơi…  Theo số liệu Facebook Rankings tháng 4-2018 của wearesocial.com, Việt Nam đang đứng thứ 7 thế giới về số người dùng Facebook, cụ thể là 58 triệu người dùng mạng truyền thông xã hội lớn nhất hành tinh này. Và đây chính là những người sẽ bị chi phối trực tiếp bởi luật an ninh mạng sắp thông qua.  

Tất nhiên, nếu nhà nước kiên trì nghĩ rằng cần phải có luật về an ninh mạng thì đó là việc của họ và họ cứ làm. Nhu cầu quản lý mạng để bảo đảm an ninh là có thật, và thậm chí là bức thiết hơn bao giờ hết. Vấn đề ở đây là quản lý mạng ra sao? Người dân chỉ mong rằng luật được soạn thảo một cách hoàn thiện nhất có thể được và phù hợp với quy luật cuộc sống, xu thế chung của thế giới mà Việt Nam đang không ngừng tăng tốc hội nhập. Và như vậy thì luật an ninh mạng mới thực hiện được chức năng quản lý mạng để bảo đảm an ninh.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.