Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Bi kịch giữa mùa thi

 

Một bên khen rằng đó là một cách hành xử đầy nhân văn. Một bên lên án đó là một hành động bất nhân. Bên nào cũng có lý lẽ của mình trước việc ngành giáo dục ở tỉnh Đắk Nông tìm mọi cách giấu thí sinh Lê Anh Tuấn việc mẹ em bị tai nạn giao thông chết để em an tâm thi hết các môn còn lại.

Bạn Lê Anh Tuấn (bên trái) tiếp tục thi cho xong vì không được báo tin mẹ đã mất. Bên cạnh Tuấn là thầy Lê Công Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành, nơi Tuấn học, đã đích thân đến đưa đón học trò đi thi cho hết môn. (Ảnh từ báo Thanh Niên).

Có thể tóm tắt như thế này, đầu giờ chiều 26-6-2018, ngày thi thứ hai, thi môn ngoại ngữ tiếng Anh, sau khi chạy xe gắn máy chở con tới điểm thi, vừa quay xe ra để về phòng trọ, mẹ của Tuấn đã bị một chiếc xe 7 chỗ tông phải ngay trước cổng trường thi và thiệt mạng. Lãnh đạo điểm thi ở huyện Đắk Rlấp đã xin ý kiến của sở và họ đi tới quyết định chỉ báo cho Tuấn biết tin mẹ bị tai nạn phải nhập viện nhưng không sao. Hội đồng thi và trường của Tuấn đã hỗ trợ đủ cách để Tuấn có thể thi hết các môn thi xã hội còn lại vào buổi sáng hôm sau rồi mới cho biết hung tin. Cha mẹ Tuấn ly hôn từ năm Tuấn học lớp 7 và em sống cùng mẹ.

Theo báo Thanh Niên (27-6-2018), ông Hồ Tấn Đằng, trưởng điểm thi, nói rằng: “Dù sao mẹ em cũng không còn. Em đã gánh chịu mất mát quá lớn nên chúng tôi không muốn để em biết tin ngay, nếu biết em sẽ bỏ thi và như vậy có thể em sẽ mất thêm một cơ hội trong cuộc đời của mình sau 12 năm đèn sách.”

Tôi không dám phán xét chủ quan rằng bên nào đúng, bởi nó tùy vào cách nhìn của mỗi người. Như vậy tôi là kẻ ba phải ư? Ồ không, tôi chỉ không dám áp đặt quan điểm chủ quan của mình mà thôi. Theo ý tôi, dù nghĩ ra sao, nhìn từ góc độ nào, mục đích cuối cùng phải đồng nhất với nhau là vì lợi ích thật sự của đối tượng – ở đây là bạn Tuấn.

Còn ý chủ quan của tôi thế nào? Tôi là một ông già tía. Tôi rất yêu con và từ khi các con chào đời tới giờ, tôi luôn xác tín rằng mình có thể hy sinh tất cả, kể cả tính mạng mình cho con – thậm chí cả trong trường hợp phải lựa chọn sinh tử mạng đổi mạng. Vì thế, nếu như tôi là người mẹ bất hạnh kia, tôi chỉ có thể ngậm cười nơi chín suối nếu như con mình được vui và hạnh phúc, cuộc đời con mình tốt đẹp. Tôi sẽ không thể nào nhắm mắt an yên được nếu như cái chết của mình trực tiếp hay gián tiếp gây nguy hại cho con mình. Bất luận thế nào, tôi đã có lỗi là để con mình phải sống mồ côi trên cõi hồng trần ngày càng lắm nhiễu nhương. Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận một thực tế là tôi đã lìa đời, còn con tôi vẫn đang tiếp tục cuộc sống con người. Cuộc sống là của nó chớ không còn là của tôi nữa rồi.

Tới đây, tôi xin kể một chuyện mang tính tâm linh. Một ngày nọ, mẹ tôi – đã mất – hiện về nói rằng bà đã được Chúa cho lên Thiên đàng. Nhưng do lúc ấy thế giới đang đảo điên nóng bỏng với chiến tranh và khủng bố, cực kỳ nguy hiểm, nên mẹ tôi nói bà đã cầu xin Chúa và được chấp nhận là để bà ở lại một thời gian có thể chở che, bảo vệ các con mình, tới khi nào mọi chuyện yên ổn, bà sẽ xin Chúa đón bà về nước Ngài. Bà đã nhiều lần về tỉ mỉ chỉ dẫn con cái những cách xử lý khi xảy ra những điều khủng khiếp. Và hơn một năm sau, khi mọi sự đã dịu lại, bà báo tin là đã lên Thiên đàng, toàn tâm toàn ý phụng thờ Thiên chúa.

Tôi kể chuyện riêng tư này chỉ cốt để nói rằng khi thật sự yêu con cái, người cha người mẹ luôn sẵn lòng hy sinh lợi ích bản thân mình cho lợi ích của con cháu.

Bạn Nguyễn Thị Thu Thủy về đưa tang bà nội và cha sau khi thi xong. (Ảnh từ báo Thanh Niên).

Có một câu chuyện thương tâm mùa thi khác xảy ra tại huyện Thăng Bình (Quảng Nam). Buổi trưa 24-6, ngày thí sinh tập trung làm thủ tục, cha mẹ của nữ sinh Nguyễn Thị Thu Thủy chở nhau bằng xe gắn máy trên đường đi chợ bán rau về đã gặp tai nạn giao thông. Cha qua đời, mẹ bị thương nặng. Họa vô đơn chí, khi đưa thi hài người cha về nhà, người mẹ 72 tuổi của ông đã bị chấn động đột tử. Vậy là tang trùng tang. Bạn Thủy sau này kể lại: “Khi nghe ba mất, em rơi vào bế tắc không biết phải làm gì cả. Lúc mơ hồ ở bên thi thể ba, trong vô thức em nghe giọng ba nói. Nhớ lại lời ba, bằng mọi giá ba chỉ muốn em thi đậu và học thành tài, đổi đời chứ không nghèo khó như ba mẹ. Vậy nên em đã đến trường thi…” Và sau khi thi xong môn cuối, cô gái kiên cường này đã vội về nhà kịp đưa cha mình ra nơi an táng và báo trước linh cữu bà nội là mình đã hoàn thành ước nguyện của bà là thi tốt.

Tất nhiên, không thể so sánh giữa Tuấn và Thủy. Mỗi người, mỗi hoàn cảnh khác nhau.

Có một số người chọn giải pháp là cho đặc cách tốt nghiệp những trường hợp như vậy. Tất nhiên khi chẳng đặng đừng được, người ta phải làm vậy. Nhưng thực tế, việc đặc cách chỉ có ý nghĩa là miễn cho học sinh khỏi phải thi mà vẫn được công nhận tốt nghiệp. Kết quả tốt nghiệp với các điểm số trung bình. Mà với điểm tốt nghiệp trung bình như vậy, làm sao các em đó có thể có được kết quả tốt khi xét tuyển vào đại học.

Cũng có người nghĩ rằng năm nay không thi được thì năm tới thi tiếp. Nhưng xin tin tôi đi, không có bao nhiêu người có đủ bản lĩnh và quyết tâm để thi lại lần thứ hai cách nhau tới cả năm trời. Người bình thường đã là khó, huống chi những người bị tổn thương tâm lý, chấn động tinh thần, hoàn cảnh khó khăn.

Vậy thì sao đây, hỗng lẽ khó quá, bỏ qua?

Tôi nghĩ, tùy từng trường hợp và đối tượng cụ thể mà có cách xử lý cho phù hợp. Nếu có thể được là dành quyền quyết định cho chính thí sinh sau khi được tư vấn kỹ lưỡng thiệt hơn. Cái này có lẽ chỉ vận dụng khi không thể tạm giấu vì con người vốn yếu đuối và đầy cảm tính mà, nhất là ở tuổi trẻ người non dạ. Và cho dù thế nào đi nữa, cộng đồng xã hội vẫn phải bằng mọi cách có thể được để bảo đảm lợi ích và điều tốt đẹp nhất cho cuộc đời và tương lai của người bất hạnh. Tôi tin rằng, những người thân nằm xuống đều muốn làm điều tốt nhất cho người thân còn sống của mình.

PHẠM HỒNG PHƯỚC