Thứ Năm ngày 16 tháng 1 năm 2025

Không đủ ngôn từ mà… Chí Phèo…

 

Tôi vốn lành như cục bột, thấu hiểu buông bỏ và lẽ vô thường, nhưng sáng nay đã phải uống hết một thùng nước tinh khiết 20 lít ướp lạnh mới có thể hạ hỏa. Tôi “quét sạch” vốn từ của mình cũng không tìm được từ ngữ nào thậm tệ nhất để… Chí Phèo những kẻ bất lương kia, giống như có những thí sinh cho biết đã “quét sạch sách giáo khoa lịch sử” cũng không thể giải được hết đề thi môn lịch sử của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia 2018.

Nhìn vào những con số thống kê kết quả phổ điểm thi môn lịch sử in trên báo Tuổi Trẻ sáng nay (30.7.2018) mà sảng hồn. Có tới 83,24% (tức hơn 468.000 thí sinh) bị dưới 5 điểm (tức dưới trung bình). Số điểm mà nhiều thí sinh bị nhất là 3,25 điểm.

Mới nhìn vào kết quả kỳ thi, người ta rất dễ dàng đánh giá là trình độ học sử của học sinh quá tệ và suy diễn rằng việc dạy lịch sử trong nhà trường phổ thông có vấn đề. Thiệt ra, lâu nay, người ta đã cảnh báo về những bất cập và quả là “có vấn đề” về cách dạy sử ở trường phổ thông. Nhưng kết quả thi năm nay tệ như vợ thằng Đậu. Tỷ lệ thí sinh dưới trung bình môn sử là 83,24% (trong khi theo phổ điểm thi năm 2017 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, tỷ lệ này là 61,9%); điểm trung bình là 3,79 điểm (so với 4,6 điểm của năm 2017); điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,25 điểm (so với 4 điểm của năm 2017).

Nhưng khi nghe các thầy cô môn sử và giới chuyên môn phân tích, người ta té ngửa khỏi ghế vì hiểu rằng nguyên nhân chính dẫn tới việc quá nhiều thí sinh hỏng môn sử năm nay là do cách ra đề quá bất cập của bộ phận khảo thí quốc gia. Người ôn hòa thì nói rằng có lẽ do những người ra đề chủ quan, không bám sát hay không hiểu thực tế giảng dạy ở nhà trường. Người nghĩ sâu xa hơn thì e rằng do người ra đề muốn khoe mẽ trình độ của mình. Điều này làm tôi nhớ có lần ông thầy thời trung học của tôi đang dạy toán tại một trường cao đẳng ở TP.HCM chia sẻ: “Các tác giả soạn sách giáo khoa không phải cho học sinh học mà chủ yếu là để “khè” các thầy cô giáo dạy ở trường”. Thực tế là trong bộ đề thi môn lịch sử năm nay, những người ra đề không chỉ “lạc đề” khỏi yêu cầu kiểm tra kiến thức và phân hóa thí sinh mà còn quá lạm dụng thuật ngữ, thậm chí dùng cả những thuật ngữ bên ngoài sách giáo khoa khiến thí sinh ú ớ.

Có lẽ chưa bao giờ, và hiếm có nước nào, mà “trình độ” của giới soạn sách giáo khoa của xứ Việt Quốc lại cao vòi vọi thấu trời xanh như thế này. Toàn là giáo sư, tiến sĩ. Mà giáo sư, tiến sĩ sọan sách giáo khoa cả cho bậc tiểu học thì thầy cũng chết chớ nói chi trò. Thời tôi học trung học tại Saigon trước 1975, thầy cô dạy tại trường công lập vẫn có thể tùy ý chọn bộ sách giáo khoa của những tác giả nào mà mình ưng ý nhất. Và các bộ sách giáo khoa đó do chính những thầy cô đang thực tế dạy học tại các trường trung học soạn ra theo chuẩn chung của Bộ Giáo dục VNCH.

Ai sẽ chịu trách nhiệm về việc soạn đề thi năm nay? Cái nhóm soạn đề có vấn đề thì là một chuyện. Còn cái nhóm có quyền thẩm định và quyết định chọn đề lại để những cái đề có vấn đề đó trở thành đề chính thức thì ắt trách nhiệm phải nặng hơn. Nhưng xưa nay, dễ gì có ai phải chịu trách nhiệm cụ thể về những cái đề như vậy. Mà cho dù có nhận trách nhiệm và bị kỷ luật thì cũng chỉ ảnh hưởng tới nhóm làm đề thi mà thôi. Cùng lắm là vài chục người. Nhưng còn số phận của gần nửa triệu thí sinh dưới trung bình môn sử thì chẳng có gì có thể bù đắp được. Các em đã vào đời bằng những điểm số đó. Xin đừng ai cao siêu nói rằng điểm số chỉ là những con số, ăn thua là ở thực lực. Đây là điểm số thi tốt nghiệp quốc gia sau 12 năm đèn sách đó nghen. Nó sẽ ảnh hưởng tới điểm chung của kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, và từ đó ảnh hưởng tới việc dự tuyển vào đại học và vào đời của các em này.

Trường Đại học Sư phạm Huế lo lắng năm học mới sẽ khó đạt chỉ tiêu tuyển sinh khoa lịch sử do yêu cầu trước nay là điểm thi môn lịch sử phải trên 5 điểm.

Cuối cùng, sau khi uống hết thùng nước 20 lít ướp lạnh, tôi trấn tĩnh lại và tự tin như đinh đóng cột gỗ lim rằng nếu vẫn không có gì thay đổi triệt để và toàn diện, vẫn cứ kiểu dạy và ra đề như thế này, năm tới cũng sẽ nảy sinh những vấn đề mới mà muôn tội đổ xuống đầu các học sinh – vẫn là những con chuột bạch thí nghiệm của cái bộ có mà như không hề có, chỉ hiện hữu bằng những con số chi tiêu ngân sách quốc gia. Phèo ơi, đệ tử chẳng có Chí như sư phụ nên đành nghĩ về một cái làng Vũ Đại nay đã “làng hóa Vũ Đại 4.0” cả một…. à mà thôi!

PHẠM HỒNG PHƯỚC