Chủ nhật ngày 24 tháng 11 năm 2024

Có ai dám thề không dựa dẫm nhà nước…

Vậy là từ hôm nay, thứ Ba cõi trên 21.8.2018, cõi dưới ngày 11 tháng 7 cô hồn năm Mậu Tuất, hay một hai ngày tới, những người hâm mộ thể dục thể thao ở Việt Nam, đặc biệt là các fan của đội bóng đá Olympic Việt Nam, có thể đường hoàng chính đại xem trên truyền hình các nội dung thi đấu tại Đại hội TDTT Châu Á ASIAD 2018 diễn ra từ 18.8 đến 2.9.2018 ở Indonesia. Theo tin đăng trên báo Tuổi Trẻ 21.8.2018, ngày hôm nay một nhà cung cấp truyền hình số (có lẽ VTC) sẽ chính thức ký mua bản quyền truyền hình ASIAD 2018, giúp Việt Nam duy trì được tước hiệu nước cuối cùng mua bản quyền truyền hình đã đạt được hồi World Cup 2018. Nghe nói có doanh nghiệp hỗ trợ ( điều tương tự bản quyền World Cup Russia 2018 cách đây vài tháng). Ơn giời, bản quyền đây rồi! Coi thi đấu TDTT trên TV bự chà báo độ nét căng mà không nghe nhồn nhột chút lương tâm còn lại thấy có lỗi với nước nào đó mua bản quyền mà mình coi lậu mới thiệt là thần thái chớ (hỗm rày xơi xôi lạc coi trộm trên mạng xã hội thiệt là thần kinh quá ể).

 

ASIAD (The Asian Games) là cuộc thi đấu TDTT đỉnh cao châu lục ở Châu Á diễn ra mỗi 4 năm một lần, và nay là lần thứ 18. Sau khi Việt Nam từ bỏ quyền đăng cai, Indonesia đã nhận làm chủ nhà ASIAD 2018. Các vận động viên VN đã nhiều lần thi đấu chính thức với màu cờ sắc áo quốc gia tại cuộc chơi TDTT lớn nhất Châu Á này. Nói vậy để thấy đây là một sự kiện thường xuyên và định kỳ, hệ thống truyền hình ở các nước hoàn toàn có thể chủ động tính toán trước các công việc của mình, trong đó có bản quyền truyền hình. Hồi năm 2017, sau khi được Hội đồng Olympic Châu Á (OCA) giao quyền phát hành, công ty Dentsu (Nhật Bản) có chào mời nhiều đài truyền hình ở Việt Nam mua bản quyền truyền hình với giá 500.000 USD, và đều bị lắc đầu. Tháng 10-2017, Ban tổ chức ASIAD 2018 của Indonesia mua lại toàn bộ bản quyền truyền hình ASIAD 2018 với giá 40 triệu USD rồi giao cho công ty KJSMWORLD CORP (Hàn Quốc) phát hành và giá bản quyền được đẩy lên tới 3 triệu USD. Vào vào thời điểm ngày 20-8, sau ASIAD 2018 khai mạc được 2 ngày, giá bản quyền tụt xuống còn 1,7 triệu USD.

Sáng nay, trên báo TT, ông Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VnpayTV) nói rằng lẽ ra các đài truyền hình nên liên kết lại và có kế hoạch sớm để mua bản quyền truyền hình các sự kiện như ASIAD. Tôi vote cho cái ý “liên kết” và “mua sớm” này và thêm cái ý “xã hội hóa”. Nhưng tôi không khoái cái vụ ông nói VnpayTV vừa có công văn kiến nghị Bộ Thông tin – Truyền thông can thiệp trong việc mua bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh 3 mùa 2019-2022 tránh tình trạng tăng giá, độc quyền. Ơ kìa, đây là chuyện làm ăn kinh doanh, và lại của xứ người, chính phủ Việt Nam làm sao có thể can thiệp cơ chứ. Bất quá, cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam chỉ có thể giám sát, chi phối chuyện giữa các doanh nghiệp trong nước mình mà thôi (nhưng cũng không được can thiệp sâu quá vào chuyện kinh doanh của doanh nghiệp). Tiếp đó, tôi cũng hỗng ham cái ý của ông này về việc Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Bộ TT-TT, và Ủy ban Olympic Việt Nam phải có phản hồi với OCA về tình trạng bản quyền truyền hình ASIAD 2018 không đến được với người dân Việt Nam. Ơ hay, làm sao chính phủ Việt Nam lại có thể xía vô chuyện này được. Người ta kinh doanh toàn cầu mà, riêng gì cho Việt Nam. Hỗng lẽ ông ấy xúi chính phủ Việt Nam đi xin xỏ? Mà chuyện Việt Nam không có bản quyền truyền hình là bởi ta không mua chớ đâu phải họ không bán cho Việt Nam. Trên sân chơi dù là châu lục cũng là cuộc chơi quốc tế, các tay chơi đều phải tuân thủ luật chơi quốc tế. Thì ra, cái nếp nghĩ dựa dẫm vào nhà nước, kể cả trong kinh doanh, đã hằn quá sâu vào không ít quan chức. Trên trường quốc tế, một chính quyền quốc gia chỉ có thể bảo hộ và bảo vệ công dân nước mình khỏi bị xử ép, xử sai luật mà thôi.

Nhân tiện, tôi cũng xin được nói ra cái ý riêng của mình ráng chôn giấu hỗm rày. Tôi chớ hề dám đề nghị nhà nước chi ngân sách quốc gia ra mua bản quyền những sự kiện như thế này đâu. Ai cũng biết hoàn cảnh Việt quốc mình ra sao mà, nợ công, nợ quốc tế cao ngút ngàn. Xin phép được trích dẫn thông tin trên báo VietnamNet (19-8-2018): “Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vay vốn ODA cho thấy, năm 2018 nợ công dự kiến lên con số 3,5 triệu tỷ đồng, cao hơn con số 3,1 triệu tỷ đồng của năm 2017. Như vậy, từ chỗ mỗi người dân chỉ “gánh” 31 triệu đồng nợ công vào năm 2017, thì đến 2018 dự kiến con số này sẽ tăng thêm 4 triệu đồng, lên 35 triệu đồng. Nhưng, con số đó có thể chưa dừng lại. Theo tính toán của Bộ KH-ĐT, nợ công trong xu hướng tăng dần đều, mỗi năm khoảng 360.000-380.000 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2019 dự kiến tăng lên mức hơn 3,9 triệu tỷ đồng và gần 4,3 triệu tỷ đồng vào năm 2020.” Mà đài truyền hình nói riêng, và nhà nước nói chung đâu có phải chỉ lo phục vụ cho mỗi những người yêu thể thao – vốn chiếm nhiều nhưng không phải quá lớn trong dân số hơn 95 triệu người của xứ Việt. Này nhé, 17 triệu USD giá bản quyền truyền hình ASIAD là hơn 40 tỷ đồng Việt Nam. Nếu đem số tiền này cấp học bổng (mức học bổng Tiếp sức đến trường 2018 của báo Tuổi Trẻ là 10 triệu đồng/suất), có hơn 4.000 tân sinh viên hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp tục việc học. Tất nhiên, tôi chỉ nói để có ý niệm thôi chớ chắc chắn không ít bạn phản bác rằng, tiền nào ra chỗ nấy. Tôi cũng hỗng có dám xúi ai dao to búa lớn nhân danh tự hào dân tộc, sĩ diện quốc gia trong những vụ việc như thế này. Chúng ta vốn đang có nhiều thứ khác để tự hào và có vô số thứ khác để mất mặt bầu cua cá cọp.   

Nói dông nói dài, gút lại thì theo thiển ý của tôi, chúng ta cũng cần thực tế và chơi như thế giới đang chơi: ăn bánh trả tiền. Ai có nhu cầu hưởng thụ những món ăn riêng, xin cứ việc bỏ tiền ra mua. Nghe nói, hỗm rày có một số fan đã chịu chi tới 150 USD/suất để mua đường link xem ASIAD 2018 có bản quyền của nước ngoài. Vấn đề cuối cùng quy lại ở chỗ, ai có trách nhiệm đứng ra làm đầu mối, tổ chức cho người hảo ăn có thể trả tiền để được ăn bánh? Chắc chắn hỗng phải tôi nghen!

PHẠM HỒNG PHƯỚC