Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Chỉ là một trận thua nữa thôi mà…

Chỉ có thể nói rằng may mắn chiều 1-9-2018 không ở về phía đội Olympic Việt Nam trong trận tranh huy chương đồng với đội UAE ở bộ môn bóng đá nam tại Á vận hội 2018 ở đất nước vạn đảo Nam Dương. Thầy trò ông Park Hang-seo đã để vuột mất cơ hội làm nên lịch sử với chiếc huy chương đồng ASIAD khi phải thua UEA ở chấm 11 mét trong loạt đá luân lưu ngay sau 2 hiệp chính (trận tranh hạng 3 không có hiệp phụ) với tỷ số 3-4 sau khi cầm hòa 1-1 với nhau suốt từ phút 27 tới hết 2 hiệp chính (phút 17, Ahmad Alhashimi – 7 của UAE sút mở tỷ số; và phút 27,  Văn Quyết – 10 của Việt Nam gỡ hòa trong một pha dàn xếp điệu nghệ của Văn Toàn và Anh Đức).

Huấn luyện viên Park Hang-seo trước khi các học trò của mình vào cuộc sút luân lưu nhiều may rủi và thử thách bản lĩnh cuối trận gặp UAE chiều 1-9-2018 tại ASIAD 2018.

Nói cho công bằng, đây là một trận thua không phải là thảm bại. Tôi không thích dùng từ kiểu mị dân là “thua trong thế thắng”, “thua mà vẫn ngẩng cao đầu”, “thua không mắc cỡ”,… Trong thể thao đối kháng, thua là thua thôi. Chúng ta chỉ nên phân tích để tìm ra nguyên nhân mà tránh lặp lại (tôi không muốn dùng cụm từ đã thành khôi hài “rút kinh nghiệm”). Tuyệt đối không nên tìm đủ mọi tình tiết để mà biện minh. Tôi đã bị lăn tăn một chút lúc bình luận viên của VTC ngay sau khi UAE sút tung lưới thủ môn Bùi Tiến Dũng đã bắt đầu có ý biện hộ.

Ai coi cũng thấy, thế trận hôm nay do Việt Nam chủ động, ép các cầu thủ Arập dầu mỏ muốn chảy thêm dầu luôn. Việt Nam đá nhỉnh hơn, cả về thế trận lẫn kỹ thuật cá nhân. Chỉ tiếc là Thần May mắn hôm nay thích dầu lửa Á Rập hơn dầu mỏ Biển Đông khiến cầu thủ Việt Quốc sút hoài mà hỗng thành bàn.

Cũng có lúc con người tầm ruồng trong tôi ngửa mặt lên trời cười khùng khục 3 tiếng mà than rằng: đội Việt Nam phải đối đầu với đối thủ có tới 12 người trên sân (gồm 11 cầu thủ UAE và 1 trọng tài người Cao Ly). Nhưng rồi tôi cũng xếp vụ này vào nhóm hên xui. Xưa nay không ít đội bóng đã xui xẻo khi gặp phải những trọng tài bập bênh như vậy.

Đành rằng thua trong sút luân lưu ở chấm 11 mét không đến nỗi tệ hại bằng thua trong thời gian chính. Thiếu chi đội bóng hàng đầu thế giới đã phải nếm trải nghiệm cay đắng này. Tất nhiên, đá luân lưu không phải chỉ dựa trên nền tảng tài nghệ của cầu thủ, mà còn có yếu tố hên xui – đòn cân não. Và rồi, chung quy lại, thua vẫn là thua.

Suy cho cùng, chỉ có đội OVN là nhỉnh hơn đội OUAE trên sân cỏ châu Á trận này. Chớ bóng đá UAE ở trên bóng đá VN hàng chục bậc (trên bảng xếp hạng cũa FIFA hiện nay, Việt Nam xếp thứ 102, còn UAE xếp thứ 77). Ngay cả bình luận viên của VTC có lúc còn lẫn lộn giữa đội Olympic tại ASIAD với đội tuyển quốc gia. Có lẽ tại ít có nước nào như Việt Nam, cả 3 đội bóng U23, Olympic và tuyển quốc gia chẳng khác nhau là bao và đều do một mình ông Park Hang-seo cầm quân.

Trong một bài trước, tôi có viết rằng: đội Olympic Việt Nam nằm trong Top 4 tại ASIAD 2018 chỉ có ý nghĩa là 1 trong 4 đội bóng xuất sắc nhất Á vận hội lần thứ 18 này. Nó hoàn toàn không có nghĩa Việt Nam là 1 trong 4 đội bóng mạnh nhất châu Á. Trên bảng xếp hạng FIFA hiện nay, Việt Nam hạng 102 vẫn đứng sau các đội Iran (32), Nhật Bản (55), Hàn Quốc (57), Saudi Arabia (70), Syria (73), Trung Quốc (75), UAE (77), Libăng (79), Oman (84), Iraq (89), Kyrgyzstan (92), Uzbekistan (95), Ấn Độ (96) Qatar (98), và Palestine (99). Xếp thứ 16 trong 48 nước châu Á cũng đâu phải dạng vừa! Và chắc cũng fair play mà hỏi nhờ đâu được vậy.

Vì thế, dù không thể đi tới cùng là có được chiếc huy chương đồng ASIAD đầu tiên trong lịch sử, thầy trò ông Park Hang-seo cũng đã làm nên lịch sử khi lần đầu tiên trong lịch sử Á vận hội (từ năm 1951), đội bóng đá Việt Nam thống nhất đi tới trận bán kết. Và những gì lứa cầu thủ Việt Nam này thể hiện trên sân cỏ ASIAD cho thấy họ trưởng thành hơn và chuyên nghiệp hơn, đá chưa phải giỏi nhất, nhưng đá đẹp và đá tử tế. Họ đang thắp lên những đốm lửa hy vọng về một tương lai bóng đá Việt Nam đàng hoàng hơn, ít nhất là xứng đáng ở vị trí đầu bảng Đông Nam Á hiện nay.

Vấn đề của vấn đề đã thành vấn nạn là những người có trách nhiệm và cơ quan chức năng có sẽ duy trì được những đốm lửa thành những ngọn lửa tiếp tục tỏa sáng? Hay tất cả theo cái dớp bạo phát, bạo tàn, qua chuyện rồi coi như xong.

Chắc chắn không ai có thể phản đối việc đón mừng đội bóng đá Olympic Việt Nam nói riêng và đoàn thể thao Việt Nam nói chung từ ASIAD 2018 hồi hương. Vấn đề là ở chỗ đúng mực và tránh trò ăn theo. Tôi chỉ sợ các vận động viên ngôi sao của mình bị hành hạ quá đáng bởi cái hội chứng hậu chiến thắng. Tôi tin rằng, các nhà thể thao chân chính và tử tế biết ngại gây phiền toái và tốn kém cho cộng đồng.

Nhân tiện, xin nói chút chút về cái màu áo đỏ của đội Việt Nam. Do không có điều kiện thống kê, tôi không dám võ đoán. Nhưng chỉ kể trong số các trận mà tôi được coi, hễ đội Việt Nam mặc áo đỏ là hầu hết hung nhiều hơn kiết. Cứ thấy đội Việt Nam ra sân với màu áo đỏ là trong bụng bắt lo nghĩ lan man. Chẳng biết là do tôi dị ứng với màu đỏ máu hay là bởi đội Việt Nam kị rơ với màu đỏ.

Một lần nữa xin cảm ơn những gì huấn luyện viên người Hàn Quốc Park Hang-seo đã làm cho bóng đá Việt Nam nói chung và với các cầu thủ trẻ Việt Nam nói riêng. Cảm ơn toàn ban đội bóng đã xả thân vì màu cờ sắc áo. Cảm ơn những ai đã trực tiếp hay gián tiếp góp phần đem lại những mảng sáng có thể hy vọng thêm cho bóng đá Việt Nam. Và cuối cùng, tôi không quên cảm ơn các bạn đã nghe tôi cảm ơn nãy giờ. Ăn trái nhớ kẻ trồng cây, đó là đạo lý truyền thống của các người anh chị em thiện lành mà.

PHẠM HỒNG PHƯỚC