Mắt giai nhân và lông mi giả của gã tục tử
Tôi đành chấp nhận bị có người chê là kẻ có mắt bị bù lạch ăn, mắt bị loạn thị. Chớ nói thiệt, tôi không thể cam lòng mà nói rằng cây cầu gỗ lim đang được xây dựng dọc theo sông Hương sẽ làm đẹp thêm dòng sông thơ mộng và kiêu sa di sản ngàn đời của người Việt được thiên nhiên ưu ái ban tặng.
Liệu có bị coi là tâm hồn bị mối xông mọt đục không khi tôi cứ bị ám ảnh liên tưởng cái cây cầu gỗ bị cưỡng áp vào bờ sông Hương này giống như đôi mắt xinh đẹp tự nhiên của một giai nhân bị thằng cha căng chú kiết nào đó ỷ có tiền bắt dán thêm chiếc lông mi giả. Có thể trông lạ hơn, có thể trông đẹp hơn, nhưng nó vẫn chối mắt như bị một cái dằm đâm vào và không còn vẻ đẹp thuần tự nhiên nữa.
Một trong những thành tố tạo nên vẻ đẹp của một dòng sông chính là cảnh quan hai bên bờ sông. Sông Hương thơ mộng chính là ở đôi bờ.
Báo điện tử VOV của Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 20-3-2018 cho biết: “Sông Hương và cảnh quan đôi bờ được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đưa vào danh mục di sản từ nhiều năm nay.” Ngay từ năm 2004, tại kỳ họp lần thứ 28 của mình ở Suzhou (Trung Quốc) từ ngày 28-6 đến 7-7-2004, Ủy ban Di sản Thế giới (World Heritage Committee) thuộc UNESCO đã đề nghị Việt Nam lập hồ sơ đề cử đưa sông Hương và cảnh quan hai bên bờ sông vào Danh mục Di sản Văn hóa Thế giới để được UNESCO xét duyệt và chính thức công nhận sông Hương và cảnh quan hai bờ sông là một Di sản Văn hóa Thế giới (World Heritage Site). Trước đó, hồi tháng 11-2003, UNESCO đã cử đặc phái viên là kiến trúc sư Laurent Rampon đến khảo sát tại Huế. Sau 3 tuần làm việc, ông đã gửi một bản báo cáo dài 54 trang đến Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO, trong đó nhấn mạnh, bên cạnh công tác bảo tồn đang được tiến hành rất tốt tại đây thì những nguy cơ đang đe dọa di sản Huế cũng đã xuất hiện. Theo ghi nhận trực tiếp của đặc phái viên UNESCO, đó là tình trạng quản lý đô thị kém cỏi, sự phát triển ồ ạt của cơ sở hạ tầng không được kiểm soát và sự lất át các di tích lịch sử của các công trình mới… và sông Hương cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng! (Tạp chí Sông Hương số 196).
Cây cầu gỗ lim này chính là hạng mục “Cầu đi bộ lát gỗ lim” nằm trong dự án “Xây dựng Mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương, thành phố Huế” thuộc dự án thí điểm của dự án “Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương và dự án thí điểm”. Dự án này do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại 100% chi phí thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA). Cầu gỗ rộng 4 mét này được khởi công xây dựng từ tháng 2-2018, có chiều dài khoảng 400 mét. Tổng kinh phí 52 tỉ đồng, trong đó phần kinh phí cho hạng mục gỗ lim là 5,7 tỉ đồng.
Tất nhiên, vốn cẩn thận, tôi tuyên bố đẹp hay xấu là tùy cái nhìn riêng của mỗi người, thậm chỉ cảm giác này còn chịu sự chi phối bởi tâm trạng nhất thời đột biến.
Cũng có thể có những người nghĩ rằng cây cầu gỗ lim (nghe nói là gỗ lim Nam Phi) siêu sang này giống như một chiếc vòng trang sức đeo trên cổ cô gái Hương Giang. Có thể nó sẽ điểm xuyết cho cô gái đó không còn là một thôn nữ mà lột xác thành một kiều nữ.
Nhưng với riêng mình, một người từ nhỏ đã yêu đất Thần Kinh với sông Hương, núi Ngự, cầu Trường Tiền gắn liền với những tà áo dài Huế, mỗi khi nhìn thấy cây cầu gỗ lim, tôi lại xôn xốn đôi mắt mà cảm thương cho cảnh quan đôi bờ Hương Giang.
Và tôi rung động với hai câu thơ mà nhà thơ Thu Bồn viết về sông Hương:
“Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Ảnh: Internet. Thanks.