Em luôn yêu anh, em vẫn đợi anh về…
Anh, em vẫn luôn yêu anh. Kể từ khi bắt đầu ra đời đi làm, em cũng bắt đầu yêu anh và sống trong cảm giác đến hẹn lại lên ngóng đợi anh về. Ta bên nhau cho tới nay và thậm chí khi em đã về hưu, anh vẫn đi cùng em tới lúc em bị cắt hộ khẩu ra Bình Hưng Hòa.
Mấy nhỏ bạn trong lúc vừa lướt Cõi Phây, vừa text message cho nhau trong giờ làm việc vẫn hay hỏi đùa nhau: “Thứ gì mỗi tháng cả đờn ông lẫn đờn bà đều có?” Em thẹn đỏ mặt thỏ thẻ trả lời nhanh trong vòng 1 nốt nhạc: “Đó là anh!” Anh hẳn biết nỗi lo lắng, hồi hộp, khổ sở biết chừng nào của những cô gái chưa chồng mà nhẹ lòng mong ngóng đỏ mắt khi muộn kỳ tháng đó. Em tháng tháng mong anh cũng xêm xêm như vậy á.
Chẳng biết tự bao giờ, em thấu cảm hết biết với bài thơ “Đợi anh về” mà nhà thơ Nga Xô viết Konstantin Simonov viết năm 1941 trong cuộc Thế chiến thứ hai.
“Em ơi đợi anh về
Đợi anh hoài em nhé.”
Nỗi đợi chờ càng đậm sâu, ngấu nghiến như “những vết răng cắn dọc theo gần như suốt cả thành giường” vì thương nhớ người yêu chinh chiến sa trường xa của cô đội trưởng sản xuất nông nghiệp ở Hà Đông năm 1967-1968 luôn ám ảnh nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Nỗi đợi chờ đó bao phủ cả tâm hồn trinh trắng mà không ngây thơ của em với bài hát “Em vẫn đợi anh về” mà Hoàng Hiệp trong cuộc Chiến tranh biên giới 1979 phổ bài thơ cùng tên của nữ thi sĩ Lê Giang.
“Em vẫn chờ vẫn đợi vẫn đợi anh về.
Em vẫn đợi anh về như buồm căng đợi gió
Như trời xanh đợi chim
Như lòng em khát anh, như đời khát hòa bình.”
Anh, em hỏi anh có vẻ thiếu tế nhị, nhưng đừng trách em coi vật chất hơn tình nghĩa. Biết làm sao khi em đang phải sống giữa cõi đời có câu châm ngôn sống “tiền là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là độ mặn mà của phụ nữ”. Anh ơi, vậy tháng này anh ở lại với em được mấy bữa? Em biết đó không phải là lỗi của anh hay của em. Em biết phải ra (đi) nhanh như vậy, anh cũng cảm thấy chất ngất nỗi nhục cho cái bản lãnh đờn ông. Nhưng em không thể mãi câm nín, đã hết sức chịu đựng của em, khi càng ngày, anh càng ở lại với em ít ngày hơn.
Ting ting. Em đang đợi tiếng chuông của anh, Lương ơi…
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Ảnh: Internet. Thanks.