Thứ Tư ngày 15 tháng 1 năm 2025

Lẩn thẩn thương và lo cho em….

Không lẽ để theo trend mà vẫn tạo ra sự khác biệt, tôi ngây thơ trinh trắng hỏi: “Vậy bao nhiêu lần là được?”

Thiệt ra, chuyện này đâu có mới và vẫn đang được bộ này áp dụng. Từ năm 2007, bộ (dưới thời ông Nhân) đã có Quyết định số 42 quy định xử phạt sinh viên “bán rau răm”, theo đó vi phạm 2 lần là bị đuổi học. Năm 2016, bộ (dưới thời ông Luận) ra Thông tư số 10 áp dụng từ ngày 23.5.2016 nâng số lượng vi phạm lên 4 lần mới bị đuổi học. Vì thế, dự thảo Thông tư mới 2018 (dưới thời ông Nhạ) thiệt ra chỉ là “duy trì và kế thừa” cái hiện hành thôi. Cũng nên làm rõ khái niệm: đây là số lần bắt tận tay day tận trán mới tính. Mà hoạt động ngầm lại để tới bấy nhiêu lần bị bắt quả tang thì phải nói là siêu pro rồi.

Nhân tiện, pháp luật Việt Nam hiện hành có tiến bộ khi vẫn không coi bán dâm là một tội phạm mà chỉ là một hành vi vi phạm hành chánh. Hễ bị bắt quả tang là bị xử phạt cảnh cáo hay phạt tiền từ 100.000 đồng tới 1 triệu đồng. Còn nếu vi phạm thường xuyên (tức chuyên nghiệp) sẽ bị phạt giáo dục tại địa phương hay cơ sở tập trung.

E hèm…

Người ta la làng chuyện bộ cởi mở vụ “bán rau răm”, mà bỏ lơ việc họ muốn trói gô các em vào vòng cương tỏa trong một rọ. Thiệt ra các quy định về ngôn luận, thể hiện chánh kiến,… đều đã có ở các luật nào đó, nhưng khi chúng được nêu ra trong môi trường giáo dục thì coi bộ lạc điệu biết bao. Giáo dục lẽ ra hoàn toàn khác công lực. Giáo dục chỉ có nhiệm vụ dạy cho người ta biết lẽ phải trái (cho dù là theo định hướng). Nếu không thành công thì là lỗi của ngành giáo dục, sao lại xử phạt người được mình dạy? Âu đó cũng là lẽ công bằng và sự tử tế.

Chuyện 1 thì chỉ có thiểu số quan hệ. Chuyện 2 thì tất tần tật mọi người.

Tôi mà soạn thảo sẽ ghi gọn gàng: “Sinh viên phải chịu trách nhiệm về các hành vi trái pháp luật hiện hành của mình. Nhà trường sẽ xử lý theo từng vụ việc cụ thể đối với các hành vi vi phạm pháp luật của sinh viên.” (Sở dĩ ghi là “từng vụ việc cụ thể” để tạo điều kiện cho cả đôi bên có thể thấu lý đạt tình.)

Về nguyên tắc và theo thông lệ toàn cầu, bộ ngành nào thì chỉ nên tập trung làm tốt chuyện chuyên ngành của mình, chớ nên bao đồng làm chuyện của người khác.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.