Ông bà chủ Nhà Trắng bất ngờ tới căn cứ Mỹ ở Iraq
Tối thứ Tư 26-12-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania Trump đã bất ngờ đến thăm căn cứ không quân Mỹ Al Asad Air Base đóng ở Iraq. Đây là lần đầu tiên ông Trump tới Iraq với cương vị Tổng thống Hoa Kỳ.
Nói là bất ngờ chớ thiệt ra cũng không hoàn toàn ngạc nhiên. Bởi từ mấy tuần trước, với tính cách của mình, ông Trump đã úp mở bóng gió rằng chẳng bao lâu nữa ông sẽ tới thăm lính Mỹ ngay tại một chiến trường (would soon visit U.S. troops in a combat theater). Nhà Trắng đã giữ im lặng cho tới sau khi Tổng thống Mỹ xuất hiện nói chuyện trước các lính Mỹ tại căn cứ ở Iraq.
Chuyện Tổng thống Mỹ vẫn có những chuyến thăm bất ngờ như thế tới những căn cứ quân sự Mỹ đang trú đóng ở hải ngoại vẫn thường diễn ra trong những dịp Noel và năm mới. Lần này, ông Trump có mặt tại Iraq trong một tình thế mới, ít ngày sau khi ông ra lệnh rút hoàn toàn 2.000 lính Mỹ đang đóng ở Syria và đẩy nhanh tiến trình giảm một nửa quân số Mỹ ở Afgahistan (hiện còn khoảng 14.000 người).
Việc ông Trump quyết định rút quân Mỹ khỏi Syria cho tới nay vẫn gây nhiều tranh cãi, nhất là sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đệ đơn xin từ chức được coi như một thái độ phản đối quyết định này của ông Trump. Thiệt ra, chuyện rút quân khỏi Syria đã được ông Trump tính làm hồi giữa năm 2018 nhưng sau đó cho đình lại 6 tháng cho tới khi bầu cử giữa nhiệm kỳ. Bây giờ, ông Trump ra lệnh rút quân ngay sau khi tuyên bố đã loại bỏ được những cứ điểm cuối cùng của bọn khủng bố Hồi giáo IS ở Syria. Ông Trump tiết lộ rằng Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan của Thổ Nhĩ Kỳ vừa cam kết qua điện thoại với ông rằng Thổ Nhĩ Kỳ đủ khả năng tiêu diệt số tàn dư IS còn sót lại ở Syria. Và giới bình luận quốc tế cho rằng ông Trump đã đi một nước cờ “kiểu Trump” là bỏ lại Syria – một chiến trường đầy phức tạp và quá nhiều rủi ro – cho 3 đối thủ Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tự tranh giành và tự xử với nhau. Mỹ ở xa, thôi thì buông bỏ. Hơn nữa, trước nay, quân Mỹ ở Syria thực tế là “ở lậu”, không có danh chánh ngôn thuận, chủ yếu là để giúp lực lượng người Kurd vốn bị cả IS lẫn Thổ Nhĩ Kỳ truy bức. Gánh nặng dĩ nhiên giờ dồn vào Nga, nước bấy lâu nay tranh chấp ảnh hưởng với Mỹ ở Syria. Bọn IS có trỗi dậy nữa không là do… Moscow.
Al Asad là một căn cứ không quân xa xôi nằm trong vùng sa mạc ở tỉnh Anbar (miền tây Iraq), gần biên giới với Syria. Đây là một căn cứ hậu cần cho lực lượng Mỹ đang giúp quân đội Iraq chống lại bọn IS trú đóng gần biên giới với Syria. Al Asad từng là một trong những căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Iraq trong giai đoạn từ 2003 tới 2011 và từng đón Tổng thống George W. Bush tới thăm vào mùa hè 2007. Hiện nay có khoảng 5.200 lính Mỹ đang trú đóng ở Iraq để cố vấn và hỗ trợ hậu cần (không quân, pháo binh, tình báo,…) cho các lực lượng Iraq.
Với việc chọn căn cứ Mỹ ở Iraq, nơi đóng Bộ chỉ huy quân đội Mỹ tham gia nòng cốt trong Liên minh quốc tế chống IS, để thăm trong dịp Giáng sinh và Năm mới này thể hiện ý định của ông Trump chọn Iraq làm điểm đứng chân của Mỹ trên bàn cờ Trung Đông. Đây không chỉ là nơi có vị thế địa – chính trị đắc lợi cho kế hoạch của Mỹ mà còn là nơi Mỹ đóng quân chính danh do được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm trong cuộc chiến chống phong trào IS và được chính phủ Iraq yêu cầu giúp đỡ.
Ông bà chủ Nhà Trắng đã trở về tới Washington DC sáng sớm thứ Năm 27-12-2018 sau khi ghé xuống căn cứ không quân Mỹ Ramstein Air Base ở Đức vào lúc 4 giờ sáng (giờ địa phương) để Air Force One tiếp nhiên liệu và ông bà thăm binh lính Mỹ trú đóng ở đó.
Chuyến thăm bất ngờ của ông bà Tổng thống Mỹ tới Iraq đã lập tức bị một số nghị sĩ Iraq vốn không ưa ông Trump phản đối kịch liệt, tố là vi phạm chủ quyền Iraq và thậm chí còn nhân tiện đòi Mỹ rút hết quân ra khỏi Iraq.
Đó là chuyện cù nhây cù nhầy chính trị, tôi “no table”. Tôi biên ít chữ này làm cớ để post những tấm hình có my idol là phu nhân mặc áo vàng mà thôi. Nhân tiện, tôi cũng xin long trọng tuyên bố với mấy ông nghị Iraq là hỗng phải tôi mời ông bà chủ Nhà Trắng tới nước họ đâu. Tôi vô can á.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Ảnh từ Internet. Thanks.