Thứ Năm ngày 26 tháng 12 năm 2024

Không thể nào “không cha” mà có con

Một vụ việc gây nóng dư luận vừa xảy ra. Theo báo Tuổi Trẻ (11-1-2019), gia đình một học sinh lớp 7 ở Q.12 (TP.HCM) nhận được giấy mời họp phụ huynh ngày 6-1-2019 do cô giáo chủ nhiệm lớp ký có ghi phần “Ông (bà): Khai sinh không cha”. Người mẹ đơn thân và gia đình đã bức xúc, lo ngại nó có thể làm tổn thương đứa trẻ. Ban đầu cô chủ nhiệm không nhận lỗi mà cho rằng do lớp phó xử lý việc in thư mời đó. Cuối cùng, sau khi có ý kiến của hiệu trưởng, cô giáo này và ban giám hiệu nhà trường đã đến nhà học sinh để xin lỗi. Cô giáo cũng đã bị xử lý nội bộ.

Ông Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Q.12 giải thích: “Đây là lỗi tắc trách của cô giáo. Trong hồ sơ, khai sinh của em ghi “không cha”. Khi làm thư mời, cô giáo đã trích lý lịch trong phần mềm của nhà trường rồi in ra y như vậy mà không chú ý đến từng hoàn cảnh của học sinh, gây tổn thương cho học sinh và bức xúc từ phía gia đình.”

Hình như có gì đó bất cập trong lời giải thích này.

Khoản 2, Điều 15, Mục 1, Chương 3 của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15-11-2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch ghi rõ:Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.

Vì vậy, tôi nghĩ, không có khai sinh nào là ghi “Không cha” hay “Không mẹ” cả, mà là để trống ở mục tương ứng nếu chưa xác định được cha hay mẹ. Việc ghi trong lý lịch là “khai sinh không cha” phải chăng do cách ghi của cô giáo hay của nhà trường. Việc ghi như thế không chỉ làm tổn thương trẻ và gia đình mà còn phi thực tế: “không cha” hay “không mẹ” thì làm sao sinh con. Tất nhiên, nhà trường hay cô giáo chủ nhiệm có thể ghi chú bên lề những trường hợp học sinh chỉ có cha hay chỉ có mẹ để có thể quan tâm nhiều hơn.

Tôi cũng nghĩ ngợi lung tung với ý kiến cho rằng cô giáo chủ nhiệm bận trăm công nghìn việc nên mới xao nhãng việc kiểm tra từng thư mời trước khi ký. Chỉ có 1 lớp thôi mà. Khó thể chấp nhận cách làm như vậy được.

Thú thiệt, tôi không muốn suy diễn hay đẩy vụ việc như vầy đi quá xa hơn nữa mà chỉ mong muốn các nơi khác ngay lập tức rà soát lại toàn bộ dữ liệu hồ sơ học sinh của mình coi có trường hợp nào tương tự thì khắc phục ngay.

Chuyện làm mẹ đơn thân (single mother) ngày càng phổ biến trên thế giới, và ngay tại Việt Nam. Bản thân người mẹ đã phải rất tế nhị khi giải thích cho con hiểu vì sao phần tên cha để trống. Và bất luận thế nào, để trống hoàn toàn khác với ghi “không cha”.

P.H.P.

+ Ảnh từ Internet. Thanks.