Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Kẹt xe… xe gì?

Ảnh này chụp mới đây tại Hà Nội và được viral trên cõi Phây.

Dưới góc nhìn của tôi, nó cho thấy 2 điều.

1. Đâu mới chính là đối tượng chính gây kẹt xe, tắc nghẽn giao thông, ùn ứ giao thông,… hay bất cứ uyển ngữ, từ tránh nào để chỉ thực cảnh xe cộ kẹt cứng xà nùi trên đường đô thị. Người ta, hầu hết là những người đang đi xe ôtô, luôn tìm cách bức tử xe gắn máy, mượn danh nghĩa làm thông thoáng giao thông, nhưng thực chất là muốn giành đường của xe 2 bánh cho xe 4 bánh của mình.

Liệu có ai dám khẳng định rằng cấm xe máy rồi thì đường sá sẽ thông thoáng. Nguyên nhân mấu chốt của tình hình kẹt xe không phải hoàn toàn ở chủng loại xe. Riêng ở phía người tham gia giao thông, đó là văn hóa giao thông và ý thức an toàn giao thông. Không thể bỏ qua tình tiết người lái xe ôtô với tâm thế của người chạy xe gắn máy, còn người chạy xe gắn máy như thể chạy xe đạp.

Tôi luôn ủng hộ việc quy hoạch, hạn chế các phương tiện cá nhân (bất kể mấy bánh) và phát triển hệ thống vận tải công cộng tiên tiến và hữu dụng. Dĩ nhiên phải có lộ trình khả thi và đồng bộ.

2. Dân ta dạo này giàu thiệt, xe ôtô chạy đầy đường. Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), trong năm 2018 cả nước có 288.683 chiếc xe ôtô được bán ra (tăng 5,8% so với năm 2017). Còn số lượng xe gắn máy bán ra trong năm 2018 lên tới 3.386.097 chiếc (tăng 3,7% so với năm trước). Người mua xe ôtô chủ yếu ở thành thị. Trong khi đường sá trong đô thị đã không thể mở thêm mà còn chật thêm do bị lấn chiếm, số lượng xe mới được đưa ra đường ngày càng nhiều, càng làm tình trạng kẹt xe thêm trầm trọng. Theo báo cáo năm 2016 của Công an Hà Nội, xe ôtô của thành phố này dù chỉ chiếm 14,38% lượng xe cộ lưu thông, nhưng lại chiếm tới 42,18% mặt đường.

P.H.P.

+ Ảnh từ Internet. Thanks.