Một câu hỏi nhức nhối phụ huynh…
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Ngày 17-3-2019, dù số gia đình từ huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) đến xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét, côn trùng và ký sinh trùng Trung ương ở Hà Nội đã có dấu hiệu “hạ nhiệt”, nhưng vẫn có đến trên 400 gia đình đưa con ra thủ đô xét nghiệm.
Ông Nguyễn Quang Thiều, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét, côn trùng và ký sinh trùng Trung ương, cho biết: tính đến tối 17-3, có 102 trong số 923 mẫu đã xét nghiệm dương tính với ấu trùng sán. Tính cả 2 bệnh viện, đã có 209 bé nhiễm sán lợn.
Tại huyện Thuận Thành, có 14/19 xã của huyện có ca dương tính với sán lợn và cần phải tiến hành một cuộc điều tra dịch tễ nghiêm túc và khoa học để tìm nguyên nhân của bệnh.
Nguồn cơn của việc 1.900 gia đình ở Thuận Thành ồ ạt đưa con ra Hà Nội xét nghiệm trong ba ngày qua bắt nguồn từ một video lan truyền trên mạng xã hội hồi giữa tháng 2-2019 cho biết thịt cung cấp cho Trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành) có nốt trắng như loại lợn bệnh (lợn gạo). Ngày 5-3, phụ huynh đã đến kiểm tra tại bếp ăn nhà trường và phát hiện thịt gà bị mủn, không tươi như cam kết. Đến ngày 7-3, ba gia đình đưa con ra Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương xét nghiệm và có tới 2 trong số 3 mẫu xét nghiệm đó dương tính với ấu trùng sán lợn. Phụ huynh đưa kết quả xét nghiệm lên mạng xã hội và từ ngày 15-3, các bậc cha mẹ ùn ùn đưa con đi xét nghiệm, cho đến 17-3 là 1.900 gia đình.
Báo Tuổi Trẻ sáng 18-3-2019 chạy bài lớn đặt câu hỏi ngay trên tít: “Hàng trăm học sinh nhiễm sán lợn: Ai giám sát bếp ăn trường học?”
Ở đây, theo tôi, cần tách biệt hai vấn đề: quản lý và giám sát.
Về quản lý, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, cho biết trên báo Tuỏi Trẻ: “Theo Luật An toàn thực phẩm, việc quản lý thực phẩm trường học là của UBND các cấp, UBND các cấp thường phân cấp cho cơ quan y tế. Với cơ sở cung cấp bữa ăn trường học có giấy phép kinh doanh thì cơ sở phải có thêm giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm mới được cung cấp bữa ăn trường học và bếp ăn tập thể nói chung. Cơ sở không đăng ký kinh doanh (nhà trường tự nấu nướng và cung cấp suất ăn) thì cần có cam kết với cơ quan chức năng và vẫn cần đảm bảo đủ điều kiện về dụng cụ nấu ăn, bát đĩa, nguồn nguyên liệu… Luật An toàn thực phẩm cũng quy định điều kiện với bếp ăn tập thể, trong đó có bếp ăn trường học, là phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện mới được cung cấp thực phẩm cho trường học.”
Nhưng quan trọng nhất vẫn là khâu giám sát. Và muốn thật sự có hiệu quả, việc giám sát các bếp ăn nhà trường này là công việc tập thể kết hợp nhiều thành phần, từ nhà nước tới người dân, tứ cơ quan chức năng tới phụ huynh học sinh. Tôi đồng tính với câu trả lời của bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế: “Không thể có cơ quan chức năng ngày nào cũng đi kiểm tra, mà mỗi nhà trường cần chú ý tới chất lượng bữa ăn của học sinh trường mình, phải chú ý trong khâu lựa chọn nhà cung cấp nguyên liệu và tổ chức chế biến, cung cấp cho các cháu. Không ở đâu giám sát tốt hơn chính nhà trường và phụ huynh.”
Vâng, chính nhà trường và phụ huynh một khi có thể phối hợp với nhau mới có thể giám sát hữu hiệu nhất chất lượng bữa ăn trong nhà trường.
Nhân tiện, tôi nghĩ trong trường hợp hiện nay, không nên chăm bẳm vào tỷ lệ số trẻ dương tính với sán lợn để nói là ít hay nhiều rồi dựa vào đó mà đánh giá tình hình nghiêm trọng hay không. Chỉ cần biết là thực tế đang có tình hình trẻ nhiễm sán lợn hàng loạt và tập trung chớ không phải chỉ đơn lẻ vài ba trường hợp và rải ra diện rộng. Mà thiệt ra, chỉ cần ba bốn trẻ bị bệnh đã phải quan ngại rồi chớ nói chi có hơn 200 trẻ nhiễm sán lợn. Hãy đặt mình vào vị trí những phụ huynh phải nhận kết quả xét nghiệm con cháu mình bị nhiễm sán lợn để nhìn nhận vấn đề. Và vấn đề quan trọng, cấp bách và thiết thực hiện nay là chữa trị cho các trẻ bị nhiễm song song với việc tìm nguyên nhân để ngăn chặn hữu hiệu và phòng tránh sau này. Đừng có ở đó mà tìm cách bào chữa, đổ thừa cho… con lợn.
Tội nhất vẫn là bọn trẻ – luôn là nạn nhân của người lớn.
PHẠM HỒNG PHƯỚC