Vậy là Hương đã cười trở lại dù là ngày Cá Tháng Tư
Ngày Cá Tháng Tư 1-4-2019 trong ngổn ngang và bừa bãi những trò đùa, trò lừa, tin giả fake news có một tin thật 100%: nữ công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương đã thoát được bản án tử hình tại tòa án Malaysia.
Những tấm ảnh đặc tả khuôn mặt của cô Đoàn Thị Hương, sinh năm 1988, chụp trong 2 ngày đầu tháng, ngày 1-3-2017 và ngày 1-4-2019, là hai thái cực khác nhau.
Ngày 1-3-2017, Hương bị áp giải ra tòa án Malaysia lần đầu tiên mà nếu bị buộc tội giết giết người, cô ấy có thể lãnh án tử hình. Gương mặt và ánh mắt của cô thất thần, mắt cô ngấn lệ đầy hoang mang, sợ hãi. Nói thiệt, ở trong nước mà bị đưa ra tòa với tội tày đình đã đáng sợ, huống chi là ở xứ người bơ vơ một mình giữa những người nước khác.
Ngày 1-4-2019, trong phiên tòa mới nhất sau hơn 20 phiên tòa, Hương đã có thể nở nụ cười hạnh phúc sau khi được Tòa thượng thẩm Shah Alam chấp nhận thay đổi tội danh của cô từ “giết người” thành “cố ý gây thương tích bằng cách thức nguy hiểm”. Thẩm phán Azmin Ariffin ngồi ghế chánh án đã tuyên bố mức án cho Hương là 3 năm 4 tháng tù giam, nhưng được giảm 1/3 thời gian coi như khoan hồng cho thái độ tốt của bị cáo. Theo Hisyam Teh Poh Teik, luật sư người Malaysia của Hương, dự kiến cô sẽ được thả vào tuần đầu tiên của tháng 5-2019 (Hương bị giam giữ tại Malaysia từ ngày 15-2-2017 để phục vụ quá trình điều tra và xét xử).
Phiên tòa sinh tử của Hương ngày 1-4-2019 đã được bắt đầu với việc công tố viên công bố quyết định giảm nhẹ cáo buộc đối với bị cáo Hương theo chỉ thị của Tổng chưởng lý Tommy Thomas. Cụ thể là thay đổi tội danh từ tội giết người theo Điều 302 Bộ luật Hình sự Malaysia phải chịu án cao nhất là tử hình sang tội danh “cố ý gây thương tích bằng vũ khí hoặc biện pháp nguy hiểm” theo Điều 324có mức án nhẹ hơn. Sau đó, các luật sư cho biết Hương đã nhận tội theo cáo trạng mới và xin được khoan hồng.
Báo Zing News giải thích: tội danh “cố ý gây thương tích bằng vũ khí hoặc biện pháp nguy hiểm” theo Điều 324có hình phạt là án tù tối đa 10 năm, hoặc bị phạt tiền, hoặc bị phạt roi, hoặc kết hợp hai trong các hình phạt này. Các “biện pháp nguy hiểm” được mô tả rõ trong bộ luật bao gồm gây thương tích bằng cách dùng súng bắn, dùng hung khí đâm hoặc cắt, hoặc sử dụng bất kỳ loại vật dụng nào được xem là vũ khí có khả năng gây chết người. Các phương tiện gây án cũng có thể bao gồm chất gây cháy hoặc hợp chất hóa học gây nguy hiểm đến cơ thể con người hay thậm chí cả việc sử dụng động vật để gây hại cho người khác.
Vụ án của Hương xảy ra ngày 13-2-2017 tại nhà ga số 2 ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur KLIA (Malaysia). Nạn nhân bị giết chết sử dụng hộ chiếu CHDCND Triều Tiên mang tên Kim Chol, nhưng nhanh chóng được xác nhận chính là Kim Jong-nam, sinh năm 1971, con trai trưởng của ông Kim Jong-in và anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiện nay Kim Jong-un. Ông này đã tới Malaysia ngày 6-2-2017 và ở tại đảo nghỉ mát Langkawi. Vào lúc 9g sáng 13-2 trong khi đang chờ đáp máy bay trở lại Macau – nơi ông và gia đình sinh sống, ông đã bị 2 phụ nữ dùng chất độc thần kinh VX bôi lên mặt gần một quầy tự check-in (airport self check-in kiosk) trên Tầng 3 của Sảnh khởi hành của KLIA 2 – nơi dành cho các hãng hàng không giá rẻ. Dựa theo camera an ninh, hai nghi can đã bị bắt giữ là Hương và Siti Aisyah, một cô gái công dân Indonesia. Và tới ngày 11-3-2019, Siti Aisyah, 27 tuổi, đã được tòa án Malaysia rút lại cáo buộc giết người và tuyên trả tự do ngay tại tòa. Hương trở thành bị cáo duy nhất trong vụ án này.
Tất nhiên, việc tòa án Malaysia tha bổng Siti và kết án Hương là tùy theo vai trò của từng bị cáo trong vụ án. Và cho tới nay, sau khi Hương đã lãnh án, người ta vẫn không rõ ai mới là thủ phạm chính. Cũng dựa vào camera an ninh, 4 người Bắc Triều Tiên được cảnh sát Malaysia xác định là nghi phạm đã rời Malaysia vài giờ sau khi xảy ra vụ sát hại. Nhưng nhiều nguồn cho biết có thể ngửi thấy mùi chính trị trong vụ án này – có nghĩa là nạn nhân đã bị ám sát. Như vậy, Hương và Siti thực chất chỉ là hai nạn nhân, có thể bị lợi dụng.
Và ở đây tôi không thể hàm hồ võ đoán để nói là Hương vô tội hay có tội. Tòa án Malaysia có những lý lẽ của họ và chắc chắn có những chứng cứ cụ thể – đặc biệt là trong một vụ án được coi là có các yếu tố chính trị, ngoại giao, quốc tế này. Bất luận thế nào, tôi vẫn mừng cho Hương và gia đình. Đồng bào tôi đã thoát khỏi án tử hình. Và đây âu cũng là một bài học cho bất cứ ai khi đi ra nước ngoài. Ngoài chuyện hên xui hay có bị “vong nhập” hoặc “kiếp trước” làm gì hay không, vấn đề vẫn là cần luôn cẩn trọng với từng hành vi và lời nói ở xứ lạ quê người.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Ảnh từ Internet. Thanks.