Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Nụ cười của người vừa trở về từ cõi chết

Hàng loạt báo chí trong và ngoài nước từ ngày 1-4-2019 đã đăng những tấm ảnh nữ công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương cười hạnh phúc sau khi được Tòa thượng thẩm Shah Alam của Malaysia chấp nhận thay đổi tội danh từ “giết người” có mức án tối đa là tử hình thành tội nhẹ hơn là “cố ý gây thương tích bằng cách thức nguy hiểm”, và tuyên án tù giam 3 năm 4 tháng, và được ân giảm 1/3 thời gian tù. Tất nhiên là cộng đồng mạng đã tay nhanh hơn não bình phẩm đa chiều, thậm chí trái ngược nhau, về nụ cười này.

Đoàn Thị Hương ngày 1-4-2019 sau phiên tòa được giảm nhẹ cáo buộc, thoát án tử hình, chỉ phải lãnh án tù giam 3 năm 4 tháng.

Riêng phần mình, nhân chi sơ tính bản thiện, sau khi đã kinh qua 3.000 thế giới, tôi thích nhìn đồng bào Hương của tôi cười. Đặc biệt là tấm ảnh chụp cô cười giữa các nhân viên an ninh Malaysia. Không thể nói đây là một nụ cười trọn vẹn, một nụ cười hớn hở. Nhưng rõ ràng đây là một nụ cười hạnh phúc, một nụ cười hú hồn của một người vừa từ cõi chết trở về. Suốt hơn 2 năm trong nhà tù ở xứ lạ quê người (Hương bị bắt giam ngày 15-3-2017) và trải qua hơn 20 lần hầu tòa, Hương luôn xuất hiện với gương mặt thất thần, ánh mắt sợ hãi, âu lo trong một tâm thế cô đơn. Cũng đỡ là càng về sau này, khi nhận được sự hỗ trợ ngày càng nhiều từ trong nước, cả công dân lẫn nhà nước, Hương đã tỉnh hơn một chút, bớt lo hơn một chút. Nhưng bản án tử hình vẫn treo lơ lửng trên đầu Hương như thanh gươm Damocles trong chuyện ngụ ngôn La Mã trước Công nguyên.

Sau phiên tòa cải tử hoàn sinh ngày 1-4-2019, Hương – sinh năm 1988 – đã bày tỏ sự cảm ơn đối với nhà nước, giới luật sư và cộng đồng người Việt Nam đã tích cực hỗ trợ mình. Công bằng mà nói, các nỗ lực này quả thật đã đóng góp không nhỏ trong việc cứu sống Hương. Trong một vụ việc mang tính quốc tế và có mùi chính trị, những nỗ lực tác động về ngoại giao và mối quan hệ giữa hai nước rất quan trọng. Về phía cô công dân Indonesia, Siti Aisyah, kém Hương 4 tuổi, đích thân Tổng thống Indonesia đã tham gia nỗ lực bảo vệ công dân nước mình từ rất sớm và dùng các mối quan hệ của mình để tác động. Và trong phán quyến rút cáo buộc giết người đối với Siti rồi lập tức tuyên phóng thích cô ngay tại tòa ngày 11-3-2019, quan tòa Malaysia cũng công khai là họ có dựa phần nào vào mối quan hệ giữa hai nước. Tất nhiên, theo tập quán quốc tế, cũng như theo các luật lệ quốc tế, không nhà nước nào có quyền can thiệp vào quyết định của cơ quan công quyền nước khác. Vì thế, nhà nước Indonesia chỉ yêu cầu phía Malaysia xem xét cẩn trọng, thấu đáo vụ việc và bảo đảm cho công dân Indonesia được xét xử công bằng và rõ ràng. Chẳng ai lại đi nằng nặc đòi tòa án nước người ta tuyên vô tội, trả tự do ngay cho công dân của mình. Kỳ cục á. Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá kia mà.

Mà thôi, ở đây, tôi chỉ muốn nói tới chuyện nhà nước bảo vệ công dân nước mình khi ở nước ngoài á. Không ai có thể phủ nhận được sự thật là hộ chiếu VN thuộc loại “yếu xìu” trên trường quốc tế. Theo bảng xếp hạng Global Passport Power Rank 2019 của Passport Index, hộ chiếu VN thuộc nhóm hạng 73 trong 92 nhóm (ở Đông Nam Á chỉ hơn có Lào và Myanmar). Vì thế, càng cần hơn bao giờ hết sự bảo vệ của nhà nước khi công dân VN đi ra nước ngoài. Đó chính là bộ áo giáp, chiếc mũ bảo hiểm “mềm” giúp người công dân cảm thấy an tâm hơn khi ở xứ lạ quê người. Chẳng ai có thể biết được điều gì sắp xảy ra với mình, nhất là khi xa nhà và người thân. Việt Nam hiện nay có quan hệ ngoại giao với 189 nước trong tổng số 193 nước thành viên Liên Hiệp Quốc và 2 nước quan sát viên LHQ. Điều này có nghĩa là cánh tay bảo hộ công dân của Việt Nam đã vươn rộng khắp cả hành tinh. Vấn đề vì thế nằm ở chỗ các đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài bảo vệ công dân của mình như thế nào khi xảy ra chuyện hữu sự. Mà cũng đừng nhân chuyện này để gây khó với quy định công dân ra nước ngoài phải trình báo cho cơ quan ngoại giao của mình ở nước đó. Tất nhiên tốt cho tất cả là nên có tùy chọn cho người dân báo thông tin qua trang web của cơ quan ngoại giao nếu họ có điều kiện và… thích. Cơ quan ngoại giao nên hợp tác với cơ quan xuất nhập cảnh nước sở tại để được cập nhật thường xuyên danh sách công dân nước mình vừa nhập cảnh. Đó cũng là cách chủ động để quản lý và bảo vệ công dân của mình.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.