Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

154 năm có báo tiếng Việt

Ngày 15-4 cách đây 154 năm, tức ngày 15-4-1865, Gia Định Báo – tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt mới (chữ Quốc ngữ), được ra mắt tại Sài Gòn. Nhà sáng lập và chủ biên đầu tiên là ông Trương Vĩnh Ký – Petrus Ký. Vì thế, đây mới chính là ngày giỗ tổ của nghề báo tiếng Việt nói chung. Ngày 21-6 hàng năm (bắt đầu từ năm 1985) đã được xác định là ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nghĩa là chỉ dành cho những người làm báo cách mạng ngày xưa và làm báo của nhà nước bây giờ.

Trang nhất tờ Gia Định Báo đề ngày thứ Ba 14-1-1896 (số 2 năm thứ 31).

Thiệt ra, ngày 21-6, kỷ niệm ra đời của báo Thanh Niên do nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc sáng lập ngày 21-6-1925, ban đầu có tên là Ngày Báo chí Việt Nam (theo Quyết định số 52 ngày 5-2-1985 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam). Tới ngày 21-6-2000, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đồng ý gọi Ngày Báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Tôi thiển nghĩ, cách gọi như hiện nay là chính xác với ý nghĩa kỷ niệm của ngày này. Bởi nếu gọi là ngày giỗ tổ nghề báo tiếng Việt – hay gọi là Ngày Báo chí Việt Nam, thì phải tính từ ngày ra đời tờ Gia Định Báo 15-4-1865, trước tờ Thanh Niên tới 60 năm.

Ông Trương Vĩnh Ký và tờ Gia Định Báo in năm 1896.

Theo từ điển bách khoa Wikipedia, Gia Định Báo là sáng kiến của ông Trương Vĩnh Ký. Sau khi từ Pháp trở về nước vào năm 1865, ông Petrus Ký đã được Chuẩn Đô đốc Roze, khi ấy đang tạm quyền Thống đốc Nam Kỳ, mời ra làm quan. Ông từ chối và xin lập một tờ báo quốc ngữ mang tên là Gia Định Báo. Lời yêu cầu của ông Petrus Ký được chấp thuận và Nghị định cho phép xuất bản được ký ngày 1-4-1865, nhưng chỉ có điều, người được chính quyền thực dân Pháp cấp phép đứng tên tờ Gia Định Báo lại là một người Pháp tên Ernest Potteaux, một viên thông ngôn làm việc tại Soái phủ Nam Kỳ. Mãi đến ngày 16-9-1869, 4 năm sau, mới có nghị định mới của Chuẩn Đô đốc Ohier ký giao Gia Định Báo cho ông Trương Vĩnh Ký làm “chánh tổng tài” (tiếng Pháp: rédacteur en chef), nay gọi là giám đốc; Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút.

Về ngày chấm dứt hoạt động của Gia Định Báo, nguồn chính thống ghi nhận là năm 1897. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Lê Nguyễn, có một cứ liệu xác định Gia Định Báo vẫn còn tồn tại đến ngày 31-12-1909 (44 năm), và chính thức đình bản vào 1-1-1910.

Sau Gia Định báo, nhà cầm quyền Pháp cũng cho phép phát hành một số báo tư nhân khác ở Nam Kỳ thuộc địa như Phan Yên Báo (1868), Nông Cổ Mín Đàm (1900), Lục Tỉnh Tân Văn (1910).

Như vậy, tất cả những người Việt Nam làm báo tiếng Việt có chung một ngày kỷ niệm – hay cũng có thể gọi là ngày giỗ tổ 15-4. Và người làm báo tiếng Việt tất nhiên phải ghi nhớ công lao của nhà sáng lập, nhà báo Trương Vĩnh Ký – Petrus Ký (sinh ngày 6-12-1837 tại Vĩnh Long và mất ngày 1-9-1898 tại Gia Định).

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.