Chủ nhật ngày 24 tháng 11 năm 2024

Chiếc thẻ là… chiếc thẻ

Chiếc thẻ nhà báo suy cho cùng chỉ là một loại giấy phép hành nghề mà nhà nước Việt Nam cấp cho người hoạt động báo chí của Việt Nam hội đủ các tiêu chuẩn theo quy định. Nó chỉ có giá trị cho phép chủ nhân được hoạt động báo chí ở Việt Nam, chứ không thể chứng nhận người viết báo giỏi hay dở, tốt hay xấu. Và nó cũng chỉ chứng thực người được cấp có quyền viết báo chứ không thể xác nhận người đó là một nhà báo thật sự.

Ở hầu hết các nước khác trên thế giới còn lại, thẻ nhà báo do chính tòa soạn cấp cho người của mình. Sức mạnh và giá trị của thẻ nhà báo là tùy quốc tịch và danh tiếng của tờ báo.

Tôi có may mắn (hoặc là quá dở, bất tài) nên cả đời, từ khi trưởng thành tới lúc đủ tuổi buông tay chỉ làm mỗi một nghề: nghề báo. Bạn thử hình dung một người mới 19 tuổi đã đi làm báo chuyên nghiệp trong một bối cảnh xã hội hoàn toàn mới với tình hình cực kỳ phức tạp của buổi giao thời. Một cậu học sinh đô thị miền Nam làm báo chung với những người từ rừng ra và từ miền Bắc XHCN vào. Và từ đó, tôi đã lớn dần lên cùng nghề báo và không chỉ chứng kiến mà còn là người trong cuộc của cả cuộc hành trình phát triển của báo chí Việt Nam sau 1975 tới ngày nay. Hỉ nộ ái ố, lên voi xuống chó đủ cả. Trong câu chuyện chiếc thẻ hôm nay, tôi xin khai thiệt, trong đời làm báo của mình, tôi chỉ sử dụng thẻ nhà báo để được ưu tiên mua vé tàu xe hồi thời bao cấp. À, có một lần xài ngoài luồng là khi ở bên Mỹ, được ông thầy chở vào thăm nhà máy bia Coors ở Golden (bang Colorado), khi nhân viên bảo vệ đòi phải có thẻ ID có hình để vào cổng, tôi không mang theo passport nên đành nhá thẻ nhà báo ra để được vào uống bia mới ra lò free.

Vì thế, các bạn đang làm công việc của một người viết báo ở những cơ quan truyền thông không có thẻ nhà báo cũng đừng lấy làm tự ti, tự kỷ, nghĩ rằng mình không đủ tư cách một nhà báo. Rõ ràng, họ không thể là nhà báo theo quy định của nhà nước Việt Nam. Nhưng nếu làm tốt chức năng của mình, họ vẫn là những nhà báo theo chuẩn quốc tế công nhận.

Và ngược lại, các bạn đang sở hữu chiếc thẻ nhà báo (hiện có khoảng 20.000 người trên cả nước) cho dù trên góc có 2 vạch chéo đỏ ưu tiên cũng chớ nên dương dương tự đắc mình là nhà báo thiệt sự. Chiếc áo không làm nên thầy tu thì tấm thẻ nhà báo cũng chẳng thể làm ra một nhà báo chân chính. Không ít người có thẻ nhà báo thực chất chỉ làm công việc của người cán bộ viết tin, viết báo.

Nhân tiện nói luôn, Việt Nam nằm trong số vài nước trong tổng số 193 nước thành viên Liên Hiệp Quốc không công nhận báo chí tư nhân. Tất cả các cơ quan báo chí là của nhà nước, trong đó đại đa số là của các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, phần còn là của các tổ chức, đoàn thể ngành nghề, xã hội nhưng cũng thuộc quyền quản ý của nhà nước. Vì thế, người làm ở cơ quan báo chí Việt Nam mặc nhiên là công chức, viên chức của nhà nước. Nhà báo là cán bộ nhà nước. Nếu ở các nước khác, người làm báo đi hành nghề gọi là tác nghiệp, ở Việt Nam, nhà báo đi thi hành công vụ. Ai gây khó khăn, cản trở nhà báo có thể bị quy vào tội cản trở người thi hành công vụ.    

Trước nay, tôi vẫn thỏ thẻ với các bạn trẻ yêu nghề báo: nhà báo về bản chất khác người viết báo. Chỉ cần viết vài cái tin được đăng trên báo là người ta có thể được gọi là người viết báo. Còn để trở thành một nhà báo thực thụ là cả một quá trình gian nan. Có những cái chuẩn bất thành văn của nhà báo. Tôi thường nói gọn là một nhà báo cần phải có 2 tiêu chuẩn nền tảng là có tầm và có tâm. Tầm là trình độ nghiệp vụ, tay nghề. Tâm là đạo đức con người và đạo đức nghề nghiệp.

Có một thực tế buồn ơi là rầu mà đành phải chấp nhận: nhà báo nhỏ mà ở báo lớn vẫn luôn ngon cơm hơn nhà báo lớn mà làm ở báo nhỏ. Chỉ ngoại trừ hiếm hoi những nhà báo quá lớn tới mức vượt qua khỏi cái khuôn khổ tờ báo mình đang làm việc.

Và cũng có một thực tế lo ơi là sợ: sự bùng nổ của các cơ quan truyền thông sinh ra quá chừng người làm công việc viết báo. Đáng tiếc là rất đông số đó chưa được đào tạo một cách bài bản về nghề báo. Vậy nên không thể tránh khỏi những bất cập từ thái độ, cách hành xử cho tới cách thể hiện, nội dung.

Thiệt lòng, tôi mong rằng những người đang làm công việc của nghề báo ở bất cứ đâu cũng đều làm công việc này một cách đầy trách nhiệm và tấm lòng, luôn cố gắng hành xử theo những chuẩn mực của một nhà báo không chỉ chuyên nghiệp mà còn chân chính. Một bài viết một khi đã được xuất bản ra công chúng, nó có sự sống riêng của nó mà không ai quan tâm tác giả là “nhà báo có thẻ” hay “nhà báo không có thẻ”.

Quy hoạch báo chí đang được nhà nước Việt Nam triển khai nhằm chấn chỉnh lại những bất cập và sắp xếp lại hệ thống báo chí trong nước. Nếu quy hoạch này được thực thi chặt chẽ, số cơ quan báo chí sẽ giảm mạnh, đồng nghĩa với việc số cơ hội làm báo chính thống của những người mới cũng hẻo đi. Tôi mong rằng các bạn sinh viên truyền thống – báo chí được đào tạo bài bản sẽ trở thành những người đưa tin công dân, những người viết nòng cốt trên các mạng xã hội. Điều này giúp các mạng xã hội bớt bát nháo hơn và sẽ chất hơn.

Cô hàng xóm tặng quà Ngày Nhà báo cho tôi gồm 2 cái trứng vịt lộn và một rổ rau răm rồi thỏ thẻ: Nhà báo có thể báo nhà chớ đừng bao giờ báo đời. Anh hiểu hôn?

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh từ Internet. Thanks.