Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Có một sự kiện lịch sử ở Việt Nam: ký Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Châu Âu

Chiều Chủ nhật 30-6-2019 là một buổi chiều lịch sử vượt lên trên cái ám ảnh của cuối tuần cuối tháng và cuối nửa đầu năm 2019. Tại Bán đảo Triều Tiên, lức 15g45ph (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã bắt tay nhau ngay tại lằn ranh phân chia 2 miền Triều Tiên trong khu phi quân sự DMZ, và ông Trump trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên trong lịch sử bước qua biên giới Liên Triều đặt chân lên lãnh thổ Bắc Triều Tiên. Còn ở Việt Nam, tại Văn phòng Chính phủ, đại diện Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký hai hiệp định gồm Hiệp định thương mại đầu tư (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – người vừa là khách mời của Cuộc gặp thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi G20 Summit 2019 tại Osaka (Nhật Bản) trở về đã chứng kiến lễ ký kết này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cùng Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và doanh nghiệp Romania, Đại diện Hội đồng EU Stefan-Radu Oprea và Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom đã ký Hiệp định EVFTA.

Lễ ký kết hai hiệp định EVFTA và IPA tại Hà Nội chiều 30-6-2019.

Sau khi có hiệu lực, thỏa thuận trong EVFTA được kỳ vọng sẽ xóa thuế nhập khẩu cho hơn 99% hàng hóa giao dịch hai bên, trong khi phần nhỏ còn lại sẽ nhận ưu đãi thuế quan theo hạn ngạch.

Theo thỏa thuận, Việt Nam sẽ bỏ 65% mức thuế nhập khẩu đối với hàng EU ngay khi EVFTA có hiệu lực và phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm.

Ngược lại, hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được bỏ hơn 70% mức thuế quan, và thời gian để xóa thuế nhập khẩu còn lại là 7 năm.

Theo EU đây là cách tiếp cận bất đối xứng và thể hiện sự hỗ trợ đối với một thị trường đang phát triển như Việt Nam.

Sau khi được ký, EVFTA sẽ chờ Nghị viện Châu Âu (EP) phê chuẩn và có hiệu lực ngay lập tức từ năm 2020. Trong khi đó, quá trình phê chuẩn IPA sẽ mất nhiều thời gian hơn do đợi tiến độ từ tất cả các quốc gia thành viên EU.

Với hai hiệp định này, hàng hóa Việt Nam được rộng đường vào thị trường Liên minh Châu Âu gồm 28 nước. Ngược lại, thị trường Việt Nam cũng thênh thang cho hàng Châu Âu. Người tiêu dùng có lợi rất lớn. Trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tăng sức mạnh cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước lẫn trên thị trường EU. Vấn đề cốt lõi theo các chuyên gia vẫn là năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam với yêu cầu chất lượng sản phẩm rất cao. Cửa đã rộng mở, nhưng người ta có thể bước vào và thành công hay không lại tùy thuộc nội hàm của chính họ.

Hiệp định tự do thương mại và đầu tư với Châu Âu là một hiệp định quan trọng thứ hai sau Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam đã cùng 10 nước khác (Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore) chính thức ký kết tại thành phố Santiago (Chile) ngày 8-3-2018. Hiệp định CPTPP này đã được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn ngày 12-11-2018 và có hiệu lực từ ngày 14-1-2019.

TIẾN TRÌNH ĐÀM PHÁN HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ GIỮA VIỆT NAM VÀ CHÂU ÂU

  • Tháng 6/2012, Việt Nam và EU tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
  • Sau gần 3 năm đàm phán, năm 2015, Việt Nam và EU đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về toàn bộ các nội dung cơ bản của Hiệp định.
  • Ngày 1/2/2016 văn bản hiệp định chính thức được công bố.
  • Tháng 6/2018, EVFTA được tách thành 2 Hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA), chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA.
  • Tháng 8/2018, hoàn tất rà soát pháp lý đối với Hiệp định bảo hộ đầu tư IPA.
  • Ngày 17/10/2018, Ủy ban Châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và IPA.
  • Ngày 25/6/2019: Hôị đồng Liên minh Châu Âu ra quyết định cho phép Ủy ban Châu Âu ký Hiệp định Thương mại và Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Việt Nam.
  • Ngày 30/6/2019, Cao ủy Thương mại Châu Âu và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao – Thương mại Romania tới Hà Nội ký 2 hiệp định quan trọng này. Đây là kết quả đánh dấu rất nhiều nỗ lực về chính trị, đối ngoại, đàm phán, hợp tác của cả hai bên.

Theo VTV

P.H.P

Ảnh: Internet. Thanks.