Thứ Sáu ngày 29 tháng 11 năm 2024

Báo Người Lao Động 44 tuổi

Chúc mừng các bạn đồng nghiệp của tôi ở báo Người Lao Động (TP.HCM) nhân ngày sinh nhật thứ 44 của báo (28-7-1975/2019).

Chính thức làm báo chuyên nghiệp tù năm 1976, tôi đã có cơ hội đọc báo của người lao động TP.HCM từ những năm đầu, khi nó còn có tên là Công Nhân Giải Phóng. Hồi đó, tòa soạn tụi tôi từng nhận phát hành báo này ở Long An. Mãi tới năm 1990, báo mới đổi tên thành Người Lao Động.

Theo tôi, ghi dấu ấn đậm nhất trong lịch sử báo Người Lao Động là hai tổng biên tập Phan Hồng Chiến (1989-2000) và Nguyễn Thị Hằng Nga (2000-2004). Tôi còn nhớ, hồi mới được bổ nhiệm về làm Tổng biên tập báo Công Nhân Giải Phóng giữa cao trào đổi mới kinh tế đất nước và đổi mới báo chí, ông Chiến đã nói với lãnh đạo thành phố rằng ông không xin tiền mà chỉ xin cơ chế. Chứ với cơ chế quản lý và hoạt động báo chí cũ kỹ, trói chân chặt tay, báo khó sống tốt chớ đừng nói chi là phát triển.

Có một số nguồn kể rằng: báo Người Lao Động đã bắt đầu “cất cánh” từ tuyến bài về cái chết (tự tử) của nam diễn viên Lê Công Tuấn Anh (1967-1996) thu hút được rất đông người đọc. Tôi xin miễn bình luận, chỉ ghi lại thôi.

Có một thời, vào cuối tuần, tôi thích đọc nhất là tờ Tuổi Trẻ Chủ Nhật và Người Lao Đông Cuối Tuần. Chất lừ luôn. Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật thì tôi gắn bó, có bài vở đều đặn từ khoảng năm 1984 trở đi, sau khi từ Long An chuyển lên TP.HCM. Còn Người Lao Đông Cuối Tuần ra đời từ sau khi đổi mới và đổi tên, làm theo motif số Chủ nhật của nhật báo Tin Sáng (tờ báo đối lập ra đời năm 1968 ở Saigon dưới Chính thể Việt Nam Cộng Hòa rồi sau năm 1975 vẫn tiếp tục được xuất bản cho tới ngày 29-6-1981 đóng cửa với lý do công khai “hoàn thành nhiệm vụ”, ngừng cuộc chơi giữa tình hình quốc tế bất ổn của phe Đông Âu với Công đoàn Đoàn Kết thành lập năm 1980 hoạt động mạnh ở Ba Lan). Ghi đậm dấu ấn ở Người Lao Động Cuối Tuần là nhà báo Thẩm Tuyên, người về báo Người Lao Động năm 1990 rồi ở miết cho tới năm 2006, một người được đào tạo báo chí bài bản tại Pháp mà tôi luôn kính trọng anh là một người làm báo giỏi nghề và “chơi được”.

Chúc các bạn Người Lao Động một sinh nhật thiệt vui trên tinh thần còn được vui cứ vui hết mình. Que Sera, Sera – Biết ra sao ngày mai…

P/S: Trong số báo Người Lao Động mừng sinh nhật 44 tuổi này, tôi cũng có một cái góc nhìn be bé từ ô cửa sổ của cô hàng xóm.

PHẠM HỒNG PHƯỚC