Thứ Ba ngày 05 tháng 11 năm 2024

Ôi, khách sạn nổi Saigon ngày đó… bây giờ

Trong tấm ảnh do hãng tin Bắc Triều Tiên Korean Central News Agency chụp được đăng kèm bài dài của Kim Tong-hyung do hãng tin Associated Press đăng ngày 23-10-2019, Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đang đi thăm khu resort Diamond Mountain ở Bắc Triều Tiên.

Kim Jong Un visits the Diamond Mountain resort (Korean Central News Agency/Korea News Service via AP)

Trong chuyến thăm này, ông chê khu nghỉ dưỡng này thậm tệ, phê  bình rằng các cơ sở vật chất ở đây tồi tàn và thiếu đặc trưng quốc gia. Và nhà lãnh đạo tối cao của Bắc Triều Tiên đã ra lệnh phá hủy các khách sạn và cơ sở vật chất do Hàn Quốc xây dựng ở đây, cho biết phía Seoul đã không khôi phục các tour đưa người Hàn Quốc sang khu du lịch này nữa. Ông Kim nói rằng các chính sách du lịch quốc tế trước đây của Bắc Triều Tiên quá phụ thuộc vào Hàn Quốc và tuyên bố Bắc Triều Tiên sẽ tự mình xây dựng lại khu du lịch này.

Scenes from the Diamond Mountain resort (Korean Central News Agency/Korea News Service/AP)
Floating Hotel Haegumgang

Điều đáng chú ý là trong tấm ảnh chụp ở khu resort Diamond Mountain, phía sau ông Kim là khách sạn nổi Floating Hotel Haegumgang. Khách sạn này là nơi các gia đình người Hàn Quốc lưu trú để gặp những người thân còn sống ở miền Bắc Triều Tiên trong những chuyến thăm đoàn tụ hai miền Triều Tiên. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã ngừng các tour du lịch tới khu resort núi Mount Kumgang sau khi xảy ra vụ một binh lính biên phòng Bắc Triều Tiên giết chết một nữ du khách Hàn Quốc 53 tuổi năm 2008. Trong một thập niên trước đó, các tour du lịch đoàn tụ này đã đem lại cho Bắc Triều Tiên nguồn thu hàng triệu USD. Khu du lịch Mount Kumgang Tourist Region nằm ngay trên biên giới hai miền Triều Tiên được khai trương từ năm 1998.

Khách sạn nổi Saigon thời hoàng kim bên bờ sông Saigon.

Mà thôi, đó là chuyện của hai miền Triều Tiên và chuyện chính trị. Ở đây, tôi chỉ nhấn mạnh vào cái khách sạn nổi Floating Hotel Haegeumgang mà bên ngoài giờ đã han gỉ. Người Việt Nam, đặc biệt là người TP.HCM, có nhận ra gì quen thuộc không? Đây chính là Khách sạn nổi Saigon từng đóng đô bên bờ sông Saigon – trước tượng Trần Hưng Đạo hồi cuối thập niên 1980 tới gần cuối thậ niên 1990. Thời đó, đây là khách sạn quốc tế cao cấp nhất ở TP.HCM, và cũng là nơi đào tạo biết bao nhân sự ngành khách sạn cho nhiều khách sạn quốc tế khác ở Việt Nam. Khách sạn nổi 5 sao này từng là một biểu tượng của TP.HCM.

Theo thông tin từ nhiều nguồn, khách sạn nổi Saigon có gốc gác từ Úc, có tên ban đầu là The John Brewer Reef Floating Hotel, hoạt động ở Úc trong vòng một năm với danh nghĩa khu resort  Four Seasons Barrier Reef Resort thì bị chủ đầu tư bán do không có hiệu quả kinh tế. Năm 1989, Tập đoàn Nhật Bản EIC Development Company mua lại khách sạn nổi này, kéo nó về TP.HCM hoạt động dưới sự quản lý và vận hành của Công ty Australia’s Southern Hotels với cái tên mới là Saigon Floating Hotel, nhưng nhiều người vẫn quen gọi nó là “khách sạn nổi” hay “nhà hàng nổi 5 sao”.

Khách sạn nổi này là đứa con tim óc của nhà phát triển Doug Tarca và con trai Peter ở Úc. Nó khai trương lần đầu tiên vào năm 1988 với tên gọi John Brewer Floating Hotel – có lẽ đặt theo nơi nó neo đậu là trên rạn đá ngầm John Brewer Reef, ở khu vực Great Barrier Reef ngoài khơi thành phố Townsville (bang Queensland, Úc).

Đây là khách sạn nổi đầu tiên trên thế giới, dài 89 mét, được đóng tại Singapore và hoàn thiện vào năm 1988, gồm 7 tầng với 201 phòng đủ tiêu chuẩn 5 sao, có phòng tập thể dục, sân tennis, hồ bơi… hiện đại. Ngoài ra, khách sạn có 400 nhân viên được đào tạo bài bản. Giá phòng một đêm cao nhất lên đến 355 USD, bằng cả gia tài so với mức sống ở Việt Nam lúc đó, nhưng các phòng luôn được đặt kín.

Sau 7 năm hoạt động, khách sạn nổi Saigon ngày càng thất thế hơn trong bối cảnh ngày càng có thêm nhiều khách sạn cao cấp và hiện đại được xây dựng ở TP.HCM. Nhưng giọt nước tràn ly chính là những ý kiến “ngứa mắt”, coi khách sạn nổi Saigon như cái gai, án ngữ ngay mặt tiền sông Saigon làm xấu xí cảnh quan ở đây. Và vào lúc 9g30 ngày 1-4-1997, khách sạn nổi Sài Gòn chính thức nhổ neo rời TP.HCM lên đường sang Singapore. Công ty Hyundai Asan, chuyên về du lịch của Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) đã mua lại khách sạn nổi này với giá 12,7 tỉ won (tương đương 18 triệu USD), rồi đưa tàu về Singapore để tu sửa và đặt tên nó là Floating Hotel Haekumgang. Sau đó, tàu được kéo vượt qua 5.000 km đường biển chuyển đến Bắc Triều Tiên, neo đậu tại cảng Changjon, gần khu nghỉ mát núi Kumgang vào năm 2000. Từ sau sự cố năm 2008 khiến Seoul ngưng đưa du khách tới khu du lịch  núi Kumgang, Floating Hotel Haegumgang nằm im trên bến cảng, không hoạt động mà cũng không thể đưa đi nơi khác.

Không rõ giờ đây khách sạn nổi này có chịu chung số phận bị phá hủy theo lệnh của ông Kim?

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.