Thứ Tư ngày 15 tháng 1 năm 2025

Bà giáo ở Mỹ lại chập cheng đổi giờ

Sáng Chủ nhật 3-11-2019 quen lệ, bà giáo thức dậy theo đúng cữ thường nhật, liếc nhìn lên cái cái alô phôn rồi buông ra một tiếng thở dài hậm hực: “Dậy sớm cả tiếng đồng hồ!” Bình thường giờ là 6 giờ, nhưng bữa nay đồng hồ chỉ 5 giờ.

Con Vàng thì vẫn ngủ ngon lành trong cái nệm của nó ở góc phòng – có lẽ nó an yên vì không bị mấy cái mạng xã hội Facebook, Twitter, WhatsApp,… xỏ mũi cuộc đời mình.

Con Sen vừa out ra khỏi phòng ông giáo nhác thấy bà giáo vội cầu tài: “Bà giáo ngủ thêm đi, hôm nay đổi giờ mà.”

Ối làng nước Vũ Đại ơi, hôm nay ở hầu hết nước Mỹ, người ta bắt đầu đổi từ giờ mùa hè DTS (Daylight saving time hay Summer Time, Spring forward) sang giờ tiêu chuẩn (Standard Time) hay giờ mùa đông (Fall Back hay Winter Time), từ 2 giờ sáng Chủ nhật 3-11-2019 phải vặn kim lui ngược lại (backward) 1 giờ thành 1 giờ sáng. Nói là hầu hết nước Mỹ vì có bang Hawaii và phần lớn bang Arizona cùng các lãnh thổ hải ngoại của Mỹ không xài giờ DST nên bữa nay cũng chẳng bận tâm chuyện đổi giờ.

Người ta còn gọi 2 chuẩn giờ của Mỹ là Spring forward và Fall back. Giờ DST là Spring forward có lẽ để chỉ “mùa xuân vặn kim về phía trước”, còn giờ chuẩn ST là Fall back để chỉ “mùa thu xoay kim về phía sau”.

Giờ DTS đã bắt đầu từ 2 giờ (vặn kim tới 1 giờ thành 3 giờ) sáng Chủ nhật 10-3-2019 và kéo dài tới sáng 3-11-2019.

Thời gian áp dụng giờ chuẩn từ ngày Chủ nhật 3-11-2019 tới ngày Chủ nhật 8-3-2020. Giơ chuẩn chỉ chiếm khoảng 35% trong thời gian cả năm.

Bây giờ xài đồng hồ điện tử hay trên các thiết bị di động có nối mạng Internet nên giờ giấc được chỉnh tự động. Người ta chỉ phải chỉnh giờ cho các đồng hồ cơ, đồng hồ truyền thống. Con Sen sướng, bà giáo ưng.

Những ngày đầu thay đổi giờ là người ta dễ chập cheng lắm. Được cái từ giờ DST chuyển sang giờ chuẩn hay giờ mùa đông như hôm nay, người ta được ngủ nướng thêm 1 giờ, đi ngủ trễ hơn 1 giờ nên cũng không lo chuyện buồn ngủ rồi ngủ gục khi lái xe đi làm ban sáng như lúc mới đổi giờ DST. Chỉ có điều cái khoảng thời gian 1 giờ ngủ nướng buổi sáng và 1 giờ trằn trọc ngủ muộn buổi tối là khoảng thời gian trằn trọc thức cũng dở, mà ngủ cũng không xong, dễ sinh ra… thái cực. Bà giáo nghe xương khớp mình trỗi nhạc mà thấy dường như gò má con Sen ửng hồng…

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.