Chông chênh giữa nghệ thuật và chính trị
Ông đồng hương Bình Định đi làm cách mạng biết viết nhạc bữa nay được lên trang báo VOA rồi.
Báo nước ngoài trích dẫn chính xác lời ông này nói được đăng trên báo Phụ Nữ TP.HCM. Còn mấy hôm nay trên mạng viral hình với lời trích dẫn mà tôi không tìm được nguồn khả tín, nên tôi không dám xài.
Tôi sẽ hiểu ông này khi phát biểu với tư cách quan chức đứng đầu một tổ chức nghệ thuât chính trị. Nhưng tôi vẫn không thể không tiếc khi một người có lịch sử và vai trò như ông đến nay đã mấp mé 45 năm sau 1975 mà não trạng vẫn còn như vậy. Hay là con người này vốn dĩ là như vậy.
Quan chức khác nhà chính trị ở chỗ quan chức nói năng bạt mạng, thích gì nói nấy làm vậy; còn nhà chính trị cực kỳ khôn ngoan khéo léo từ lời nói tới việc làm. Người làm nghệ thuật mà đi làm chính trị thường chông chênh.
Tôi nghĩ không thể phủ nhận là cách mạng và phi cách mạng là hai thái cực khác nhau mà tùy hên xui và định mệnh mà bị đẩy vào thế đối thủ hay đối trọng. Suy cho cùng, cái kỳ diệu và khôn ngoan là tìm ra được những điểm chung có thể hòa hợp hòa giải giữa 2 cái thái cực đó. Trong âm vẫn có dương, trong dương vẫn có âm kia mà. Hơn nữa, lịch sử dân tộc vốn rất phức tạp luôn cần sự hòa hợp hòa giải. Có hòa hợp thì mới có thể hòa giải.
Người bạn thân chung của tôi và ông này là nhà thơ Trần Từ Duy (Đông Ki Rét) thời còn sống vẫn hay đùa gọi ông này là “Ẩu” chớ không phải “Ẩn”.
Lại lẩn thẩn biên vài dòng ý nghĩ riêng tư khi nhìn thấy tờ lịch bloc ghi ngày thứ Sáu 15.11.2019 ở cõi trên và 19 tháng Mười Kỷ Hợi ở cõi dưới. Mà 45 ngày Tây và 2 tháng 11 ngày ta gợi nhiều suy nghĩ.
PHẠM HỒNG PHƯỚC