Thứ Bảy ngày 02 tháng 11 năm 2024

Tăng tuổi nghỉ hưu với người lao động ở Việt Nam

Tuổi nghỉ hưu mới 62 tuổi của lao động nam từ năm 2028 và 60 tuổi của lao động nữ từ năm 2035

Sáng 20-11-2019, tại Kỳ hợp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV đã biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi, với 90,06% số đại biểu tán thành. Một trong những điểm mới của bộ luật là sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu. Đây là nội dung có tác động trực tiếp, sâu rộng đến người lao động trên cả nước.

Kết quả Quốc hội Khóa XIV biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi ngày 20-11-2019.

Sau khi được thông qua, Bộ luật Lao động sửa đổi 2019 này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021.

Hiện nay, theo Bộ luật Lao động 2012, lao động nam được nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi và nữ đủ 55 tuổi.

Từ 1-1-2021, khi Bộ luật Lao động sửa đổi chính thức có hiệu lực, tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ được điều chỉnh theo lộ trình được quy định tại Điều 169 của Bộ luật Lao động sửa đổi.

Tuổi nghỉ hưu mới của người lao động cụ thể như sau: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Lộ trình tăng dần tuổi nghỉ hưu sẽ được bắt đầu với các lao động sinh năm 1961 đối nam và 1966 đối với nữ. (Ảnh: Internet. Thanks.)

Lộ trình tăng dần tuổi nghỉ hưu này chỉ được áp dụng cho các lao động ở năm 2019 có năm sinh là 1961 trở về sau (với nam) và 1966 trở về sau (với nữ). Chỉ có những lao động sinh năm 1968 trở về sau (nam) và 1980 trở về sau (nữ) mới bắt đầu áp dụng tuổi nghỉ hưu mới là 62 tuổi (nam) và 60 tuổi (nữ).

Như vậy, tới năm 2028, lao động nam mới bắt đầu có tuổi nghỉ hưu là 62 tuổi; và tới năm 2035, lao động nữ mới bắt đầu có tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi.

Với những lao động nặng nhọc, độc hại, suy giảm và ở vùng đặc biệt khó khăn thì có cơ chế điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phù hợp. Hiện nay, chúng ta đang có một danh mục 1.748 lĩnh vực, công việc nặng nhọc, độc hại. Những lao động trong nhóm này sẽ điều chỉnh chậm hơn và điều chỉnh nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn. Những đối tượng này có thể nghỉ hưu sớm hơn 5 năm.

Tôi nghĩ, người lao động nói chung không thích tăng tuổi có quyền hưởng lương hưu. Chỉ có các quan chức có ghế thì càng lâu về hưu, càng thích. Ở nhiều nước, nếu đóng góp đủ mức quy định rồi, người ta có quyền xin retired sớm; và nếu vẫn còn sức và muốn làm việc, người ta cứ việc làm tiếp, dù quá tuổi hưu trí quy định.

P.H.P.

(Nguồn thông tin theo báo Lao Động)