Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Quy trình cấp visa Schengen mà bạn quan tâm

Khuya qua, tình cờ có được thông báo của cơ quan xuất nhập cảnh Na Uy về thủ tục cấp visa Schengen của nước này cho công dân các nước khác, tôi thấy họ có đưa ra danh sách các nước bắt buộc phải được toàn bộ 26 nước Schengen đồng ý trước khi được Na Uy cấp visa. Có nghĩa là chỉ cần 1 trong các nước Schengen không đồng ý là người xin cấp visa Schengen có thể bị từ chối. Tuy nhiên, xin lưu ý, visa Schengen để đi lại giữa các nước Schengen khác với visa quốc gia chỉ có thể đi lại trong lãnh thổ nước được cấp. Chẳng hạn, trong những trường hợp đặc biệt (như bệnh nặng, dự lễ tang người thân), Na Uy có thể cấp visa chỉ sau vài ngày, nhưng đó là visa Na Uy.

Khối Schengen (Schengen Area) là một khu vực Châu Âu miễn visa trong nội bộ giữa các nước. Hiệp ước Schengen Agreement được ký kết ngày 14-6-1985 tại gần thị trấn Schengen (Luxembourg) bởi 5 trong số 10 nước thuộc Hội đồng Kinh tế Châu Âu (EEC) hồi đó. Năm 1999, dưới Hiệp ước  Amsterdam Treaty, Hiệp định Schengen được tích hợp thành một phần cốt lõi của Luật Liên minh Châu Âu (EU). Hiện nay, khu vực Schengen gồm 26 nước Châu Âu tham gia. Trong số các nước EU, hiện có các nước Anh, Ireland, Bulgaria, Croatia, Cyprus, Romania  không tham gia Schengen (riêng Bulgaria và Romania hiện đang làm thủ tục tham gia). Có một số nước Châu Âu không là thành viên EU gồm Iceland, Na Uy, Thụy Sĩ và Liechtenstein cũng tham gia Schengen.

Hiện nay có hơn 60 nước có thể tới bất cứ nước Schengen nào mà không cần visa. Số nước còn lại phải xin cấp visa và chỉ cần xin visa ở một nước Schengen bất kỳ là có thể tới toàn bộ khu vực free-visa zone này. Thời gian xét duyệt visa nói chung là trong vòng 15 ngày. Tuy nhiên, tùy trường hợp cần bổ sung thông tin, giấy tờ thì thời gian này có thể kéo dài tới 30 ngày hay thậm chí 60 ngày.

Theo thông tin từ cơ quan phụ trách chính sách di trú Châu Âu, có một số ngoại lệ dành cho các nước cần visa vào Schengen. Chẳng hạn, với Việt Nam, hiện có 15/26 nước miễn visa cho passport ngoại giao (trước đây có thêm Đức, nhưng mấy năm gần đây đã tạm ngưng), và 5/26 nước miễn visa cho passport công vụ.

Theo Điều 31 của Luật Visa (Visa Code) của EU, một nước thành viên Schengen có quyền yêu cầu các nước Schengen khác cung cấp cho họ thông tin về visa đã được các nước Schengen khác cấp cho công dân một số nước gọi là “nước thứ 3” (third country). Chế độ “hậu kiểm” (ex post) này hiện được áp dụng với 61 nước (trong đó có Nga, Trung Quốc, Ấn Độ,…). Riêng ở khối ASEAN có 3 nước: Indonesia, Myanmar và Philippines.

Theo Điều 22 của Luật Visa, một nước thành viên Schengen có quyền yêu cầu các nước Schengen khác hỏi ý kiến nhà chức trách nước họ trước trong khi xem xét cấp visa cho công dân thuộc nhóm nước thứ ba. Có thể tất cả hay chỉ một số nước Schengen có yêu cầu này và tùy các nước mà có danh sách khác nhau. Hiện nay có 38 nước nằm trong danh sách phải được “đồng xét duyệt” này. Việt Nam là nước ASEAN duy nhất có tên trong danh sách này.  Thời gian đồng xét duyệt như vậy có thể lên tới 8 ngày.

Việc trao đổi thông tin visa này được tiến hành thông qua hệ thống thông tin Schengen Information System (SIS) là hệ thống chia sẻ thông tin lớn nhất và được sử dụng rộng rãi nhất của EU để các nước thành viên chia sẻ các thông tin về an ninh và quản lý biên giới. Vì thế, quy trình đồng thuận hay hậu kiểm visa Schengen có thể diễn ra nhanh hơn và chính xác hơn các cách trao đổi thông thường. Theo EC, tính tới cuối năm 2017, cơ sở dữ liệu của SIS có khoảng 76,5 triệu hồ sơ, được truy cập 5,2 tỷ lần và có được 243.818 cảnh báo an ninh nhập cảnh (tức việc tìm kiếm có kết quả báo động và được nhà chức trách xác nhận).

Có một số bạn cho biết quy định này áp dụng từ tháng 12-2007 chứ không phải chỉ sau bi kịch ở Essex (Anh) hồi hạ tuần tháng 10-2019. Vì thế, không phải quy định các nước thứ ba này được khối Schengen áp dụng với Việt Nam vì bi kịch đó. Nhưng điều rõ ràng là sau bi kịch đó, quy trình xét cấp visa cho người Việt Nam bị siết chặt hơn ở một số nước nào đó, và không phải chỉ với Schengen.

Có một chân lý là chính người Việt Nam tự trói buộc các đồng bào mình khi có những người làm xấu đi hình ảnh của người Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là khi họ đi ra nước ngoài.

Bạn có thể tham khảo thêm về visa Schengen từ trang web chính thức của Ủy ban Châu Âu EC.

Và website thông tin về visa Schengen.

PHẠM HỒNG PHƯỚC