Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Lan man nỗi niềm kẹt xe…

Anh bạn đồng nghiệp “dư nhí nhảnh” sáng nay (4-12-2019) – một sáng trời Saigon se se lạnh tới hết hồn – share trên FB tấm ảnh chụp cảnh kẹt xe tại TP.HCM với comment: “Còn cửa nào cho em?!”.

Thiệt tình, do cảnh này quá quen mắt, tôi chỉ chú ý tới cái câu in trên thân một chiếc nón bảo hiểm: “Đường còn dài và ta cứ đi thôi”. Thật là thần thái, vô vi và buông bỏ!

Có liên quan hay không thì tôi chẳng (dám) biết, nhưng bản tin trên báo điện tử VnExpress (29-11-2019) vẫn đong đưa trong tôi:

“Thu ngân sách của TP HCM năm nay (2019) có thể đạt hơn 412.000 tỷ đồng – vượt 3,3% chỉ tiêu (400.000 tỷ) và chiếm hơn 27,2% tổng thu cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tăng hơn 8,3% so với năm ngoái. Thành phố thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 8 tỷ USD, chiếm 22% tổng vốn đầu tư nước ngoài của năm trước.”

Bản tin có một cái box thông tin: “TP HCM luôn là địa phương bị giao chỉ tiêu thu ngân sách lớn nhất nước. Năm 2019 thành phố phải thu gần 400.000 tỷ đồng – cao gấp 1,1 lần tổng dự toán thu ngân sách của 4 thành phố trực thuộc trung ương còn lại là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ (365.900 tỷ đồng).”

Biểu đồ này được lập dựa trên số liệu tại Phụ lục 06 được ban hành kèm theo Nghị quyết 73/2018/QH14 ngày 14/11/2018 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 do Quốc hội ban hành

TP.HCM cũng là nơi được giao chỉ tiêu nộp ngân sách địa phương thu được về trung ương cao vô địch quốc gia. Năm 2019, tỷ lệ này là 82%. Trong khi, địa phương có tỷ lệ cao thứ nhì là Hà Nội 65%. Kế đó là Bình Dương 64%, Đồng Nai 53%, Vĩnh Phúc 47%. Trong 63 tỉnh thành, chỉ có 16 địa phương phải nộp thu ngân sách địa phương về trung ương, trong khi có tới 47 địa phương d0ược giữ lại toàn bộ nguồn thu địa phương.

Báo cáo tại phiên họp triển khai nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế xã hội TPHCM quý IV-2019 của UBND TP.HCM ngày 22-10-2019 cho biết: TPHCM có hơn 300.000 doanh nghiệp (chiếm tới 52% số doanh nghiệp cả nước, nhưng đa phần có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Số doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên chỉ chiếm khoảng 2%.

Tại hội nghị Tổng kết kết quả sơ bộ công tác tổng điều tra dân số và nhà ở TP.HCM năm 2019 diễn ra ngày 11-10-2019, Cục Thống kê TP.HCM cho biết tính đến 0 giờ ngày 1-4-2019, dân số thành phố đạt hơn 8,99 triệu người, trở thành địa phương đông dân nhất cả nước, tăng 1,8 triệu người so với năm 2009; trong đó nam chiếm 48,7% và nữ chiếm 51,3%.

Ngày 17-9-2019, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo nhằm tìm ra giải pháp phát triển nhà ở để đáp ứng gia tăng dân số 1 triệu người sau mỗi 5 năm. Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết theo thống kê đến năm 2019, dân số của thành phố là khoảng 9 triệu người, nhưng thực tế hơn 13 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc tại đây.

Tất nhiên nói cho fairplay, nguồn thu của TP.HCM là công sức của toàn bộ những người đang lao động ở đây, bao gồm cả dân địa phương và người từ khắp cả nước đến mưu sinh. (Tôi thích dùng chữ “người Saigon” để gọi người có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM và “người TP.HCM” để chỉ tất tần tật những ai đang sống tại đây.)

TP.HCM không chỉ gánh nguồn ngân sách cho phần lớn cả nước mà còn là nơi đất lành chim đậu, nơi dung thân và mưu sinh cho người dân toàn bộ 62 tỉnh thành còn lại – đặc biệt là với những lúc các nơi đó gặp khó khăn. Bởi lẽ đó, TP.HCM là nơi cần được cả nước tập trung “chăm sóc”, tạo điều kiện để có cơ sở hạ tầng tốt nhất, có khả năng làm ăn tốt nhất để làm một “vùng đất an toàn” cho cả nước. Đó là tôi ngây thơ và thiện lành nghĩ vậy.

PHẠM HỒNG PHƯỚC