Thứ Tư ngày 25 tháng 12 năm 2024

Khí dung thời dịch Wuhan coronavirus

Nghiệt chủng Cô Vi Vũ Hán ngày 16 tháng Giêng Canh Tý có một chuyện để cười ngất. Dân Việt đang chia rẽ và tranh cãi nhau về cái chuyện “khí dung” để tìm hiểu coi Wuhan coronavirus (2019-nCoV) có lây qua không khí hay không. Nghiêm trọng à nghen. Loại virus chết người này mà lây nhiễm qua không khí thì thế giới ngày nay toang là cái chắc.

Ờ mà khí dung là gì hén?

Theo y khoa, “khí dung” là phương pháp sử dụng máy khuếch tán thuốc theo dạng sương mù, tác động vào hệ thống niêm mạc đường hô hấp trên hoặc dưới. Bệnh viện Vinmec giải thích: Đây là phương pháp điều trị tại chỗ cho các bệnh lý thuộc niêm mạc đường hô hấp như viêm thanh quản, viêm mũi họng, viêm khí – phế quản, viêm mũi xoang,… Khi xông hơi, thuốc dưới dạng sương do máy tạo ra sẽ được đẩy bám dính vào lớp lông chuyển trên niêm mạc đường hô hấp. Nhờ đó, thuốc sẽ tác động trực tiếp lên những vị trí bị viêm nhiễm.

Còn ta thử xét ngữ nghĩa của “khí dung” cái coi chơi. “Khí dung” được hiểu là “dung môi dạng khí”. Mà theo từ điển bách khoa Wikipedia, “dung môi” là một chất lỏng, rắn, hoặc khí dùng để hòa tan một chất tan rắn, lỏng, hoặc khí khác, tạo thành một dung dịch có thể hòa tan trong một thể tích dung môi nhất định ở một nhiệt độ quy định.

Các loại nước hoa dạng xịt, sản phẩm xịt khử mùi cơ thể, bình xịt thơm phòng,… cũng là dạng khí dung.

(Nguồn ảnh: Internet. Thanks).

Vậy thì “khí dung” (tiếng Anh aerosol) là một dung môi dạng khí để chở các phân tử thuốc đi chơi.

Thực tế thì từ “aerosol” trong tiếng Anh không chỉ có nghĩa là “khí dung” trong y khoa. Nó được dùng để chỉ những giọt / hạt nhỏ li ti (droplet) chứa những vật chất nào đó được đưa vào trong không khí. Sương mù, khói bụi cháy rừng,… cũng là những dạng “aerosol”. Mà trong những ngữ cảnh như vậy, ta khó dịch thành “khí dung”.

Các nhà khoa học nói rằng Wuhan coronavirus không thể sống mình ên (stand-alone) mà phải dựa vào một vật chủ (host). Có ai đó nói nghiệt chủng Cô Vi Vũ Hán không bay trong không khí đặng do nó phát phì và nặng ký thì chỉ nghe chơi rồi bỏ nghen. Các hạt bụi, thậm chí bụi mịn PM2.5 nhỏ như vi khuẩn mà còn bay trong không khí được, huống chi virus nhỏ chỉ bằng 1/100 hay 1/10 vi khuẩn. Chính xác nhất là Wuhan coronavirus chỉ có thể phát tán ra ngoài khi đu càng bám theo các giọt dịch tiết hô hấp của con người. Vì thế, khi người nhiễm virus ho, sổ mũi, hắt hơi,… bọn nghiệt chủng này bắn văng tung tóe vào môi trường (bám vào các vật dụng chung quanh) và vào không khí (giọt nặng có thể văng xa tới 2 mét, còn các giọt li ti như bụi lơ lửng trong dòng không khí thì bay tới đâu là do định mệnh).

Có vẻ có một tin không vui. Báo Tuổi Trẻ (8-2-2020) đưa tin: Các nhà nghiên cứu Đức vừa công bố trên Journal of Hospital Infection, tạp chí y khoa uy tín của Hiệp hội Chăm sóc Sức khỏe Nhiễm trùng Anh, rằng trong môi trường có nhiệt độ phòng (phổ biến thường ở mức 25 độ C), các virus corona ngọa hổ tàng long trong các chất dịch tiết hô hấp có thể tồn tại tới 9 ngày trên bề mặt vật dụng hàng ngày, khiến con người có thể nhiễm virus bất cứ lúc nào. Đây là thời gian tối đa mà virus corona có thể sống sót bên ngoài vật chủ. Thời gian trung bình là khoảng 4-5 ngày. Vậy nên, bạn cần cẩn trọng với các thứ, các đồ vật ở nơi công cộng lắm người qua, như các tay nắm cửa, bảng điều khiển thang máy, cửa và các thứ trong phòng vệ sinh chốn công cộng,…. Tốt nhất nên thủ sẵn ít khăn giấy trong túi để “giao tiếp an toàn” với chúng (xong thì quẳng ngay khăn giấy vào thùng rác hay xử lý an toàn).

Ủa, giữa thời ôn dịch Wuhan coronavirus mà tranh cãi chi chuyện “khí dung” là gì mần chi vậy ta? Cho tới nay, trên thì có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dưới là Bộ Y tế, cả hai đều khẳng định chưa có chứng cứ nào Wuhan coronavirus có thể tự lây lan trong không khí. Cho tới nay, họ chỉ khuyến cáo 3 phương thức lây truyền chủ yếu của Wuhan coronavirus: lây truyền trong không khí (có chứa các giọt dịch tiết từ người bệnh khi ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp); lây trực tiếp (khi tiếp xúc với người bệnh, bắt tay người bệnh nếu không thực hiện biện pháp phòng bệnh, rửa tay với xà bông ngay sau đó); và lây truyền từ các bề mặt đã nhiễm bẩn virus (dính các dịch tiết hô hấp).

Như vậy, cho tới nay người ta biết Wuhan coronavirus lây truyền trong không khí thông qua các dịch tiết hô hấp từ người nhiễm virus. Và không biết bạn thế nào chớ tôi chưa bao giờ nghe ai gọi các chất dịch như nước bọt, nước mũi văng ra do ho, hắt hơi, xì mũi là “khí dung” hết ráo.

Kiến trúc xã hội hiện như vầy: trên là WHO, dưới là Bộ Y tế, còn ở giữa là các “thánh Facebook”. Ta chỉ nên tin vào các cơ quan chức năng có thẩm quyền (họ có nói bậy thì đó là tội lỗi của họ). Còn lời của các chuyên gia chính hiệu cũng chỉ được coi là một nguồn tham khảo. Cũng lưu ý, ngay cả lời Bộ trưởng Y tế nói cũng không phải lúc nào cũng đều là ý kiến của Bộ Y tế, trừ khi Bộ trưởng Y tế phát biểu những gì mà bộ của mình đưa ra.

Tất nhiên, về khoa học thì phải nghiêm túc, khi có những thông tin, ý kiến khác thường, các nhà chức trách phải ghi nhận và nghiên cứu, xác định. Đặc biệt là giới khoa học toàn cầu cho tới nay vẫn coi Wuhan coronavirus (phát hiện tháng 12-2019 tại Wuhan) là một chủng virus corona mới, họ vẫn chưa biết nhiều về nó, nhất là cơ chế hoạt động của nó. Càng nguy hiểm hơn khi chủng virus corona có khả năng biến đổi nhanh chóng và khôn lường. Vậy nên cẩn trọng và phòng xa không bao giờ thừa!

PHẠM HỒNG PHƯỚC