Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Pandemic – đại dịch toàn cầu

Cuối cùng, dù muốn nấn ná bao nhiêu, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới WHO, ngày 11-3-2020 cũng đã phải tuyên bố dịch bệnh viêm phổi cấp COVID-19 là một đại dịch (pandemic) toàn cầu – cấp độ cao nhất của dịch bệnh. WHO đưa ra quyết định này vào lúc novel coronavirus SARS-CoV-2 bùng phát từ Wuhan (Trung Quốc) hồi tháng 12-2019 đã lan ra 121 nước và vùng lãnh thổ khắp hoàn cầu, với số ca lây nhiễm hơn 125.000 người và số tử vong hơn 4.500 người.

Với công bố này, toàn cầu vào thời ôn dịch. Các nước tùy theo thực tế và luật lệ của mình có thể áp dụng các quy định của tình trạng khẩn cấp trong thời dịch bệnh. Nhân loại sẽ phải sống trong điều kiện đại dịch. Không ai có thể lường trước được rồi sẽ ra sao ngày mai.

Người ta sẽ tranh cãi nhau về thời điểm WHO tuyên bố đại dịch sau thời gian dài và nhiều lần nhấp nhấp “gần tới”. Trước đây, WHO lần lữa không công bố dịch này là “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu” (global health emergency) rồi sau đó thừa nhận mình nhận định sai giữa khi Trung Quốc đang căng mình chống dịch. Bây giờ, cấp độ đại dịch của dịch bệnh được WHO nâng cao nhất giữa lúc tình hình ở tâm dịch Trung Quốc đã ổn định và kiểm soát được. Nhưng lúc này cả thế giới bên ngoài đại lục Trung Quốc đang oằn mình trước sức tấn công của dịch bệnh.

Không cần nói đâu xa xôi. Việt Nam từ ngày 6-3 đã chuyển sang giai đoạn 2 của cuộc chiến chống dịch COVID-19 nCOV nguy hiểm hơn bội lần khi virus lây lan khó lường trong cộng đồng. Cả giai đoạn 1 (từ 23-1 tới 5-3-2020) có 16 ca nhiễm và đều chữa khỏi. Ba tuần (từ 13-2 tới 5-3) không phát hiện ca nhiễm mới và chuẩn bị công bố hết dịch. Đùng cái có ca VN17 vào ngày 6-3. Và trong 6 ngày đã có thêm 23 ca mới. Tổng cộng khi WHO công bố đại dịch, Việt Nam có 39 ca nhiễm. Thực tế cho thấy sẽ còn tiếp tục tăng lên.

Ngày 11-3-2020 bắt đầu được ghi là ngày thứ nhất của trận đại dịch toàn cầu COVID-19 nCoV. Trong ngày này, nước Ý có thêm 2.313 ca nhiễm mới và 196 người chết nữa, thành 12.462 ca nhiễm và 827 người chết. Thủ tướng Đức Angela Merkel 11-3 nói trong cuộc họp báo tại Berlin: “Khi virus đang hoành hành ngoài kia, người dân chưa có miễn dịch và chưa có liệu pháp điều trị, thì các chuyên gia nói rằng sẽ có 60 tới 70% dân số (Đức) sẽ bị nhiễm bệnh. (When the virus is out there, the population has no immunity and no therapy exists, then experts say 60 to 70% of the population will be infected).” Bà nhấn mạnh: “Tiến trình (phòng chống dịch) phải tập trung vào việc không làm quá tải hệ thống y tế bằng cách làm chậm sự lây lan của virus. (The process has to be focused on not overburdening the health system by slowing the virus’s spread). Ngày 11-3, Đức có thêm 343 ca nhiễm mới thành 1.908 ca nhiễm và 3 người chết. Thủ tướng Đức cho biết: Chính phủ sẽ cân đối ngân sách để phòng chống dịch COVID-19.

Việc công bố dịch COVID-19 là đại dịch theo chủ ý của WHO là muốn nâng mức cảnh báo lên, đặt toàn cầu vào tình trạng báo động đỏ, và tạo điều kiện cho các nước, các tổ chức có thể áp dụng các biện pháp mạnh nhất để chiến đấu với dịch bệnh khi nó đã tới cao trào lan khắp thế giới.

Lần tuyên bố đại dịch gần đây nhất của WHO là năm 2009 với dịch cúm gia cầm H1N1.

Đại dịch chính là lúc ta càng không được hoảng loạn và tuyệt vọng. Phải bình tĩnh, sáng suốt và bản lĩnh, tất nhiên phải may mắn nữa, ta mới có thể sống sót. “Chủ quan” bây giờ có nghĩa “chủ quan…tài”.

PHẠM HỒNG PHƯỚC