Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Cô Vi truyền kỳ: 3 tháng, 12 ngày và 5 ngày

Tại cuộc họp báo ở trụ sở Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva ngày 20-3-2020, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng: “Mỗi ngày, dịch COVID-19 dường như đạt một cột mốc mới và bi thảm.” (Every day, COVID-19 seems to reach a new and tragic milestone.) Ông nhận xét:  Mất 3 tháng để đạt tới 100.000 ca COVID-19 đầu tiên, nhưng chỉ 12 ngày để tăng gấp đôi số đó, lên hơn 200.000 ca.

Lúc 17g ngày 18-3-2020, số người nhiễm COVID-19 trên thế giới vừa qua mốc 200.000 người và số tử vong qua 8.000 người.

Và 18g ngày 21-3, trang Worldometers cập nhật cho biết trên thế giới đã có 282.868 người nhiễm và 11.822 người chết vì novel coronavirus tại 186 nước và vùng lãnh thổ. Như vậy, với tốc độ tăng như mấy ngày qua (số người nhiễm tăng thêm 26.111 vào ngày 19-3 và 30.665 vào ngày 20-3; số người chết tăng thêm 1.080 người ngày 19-3 và 1.356 người ngày 20-3) chỉ ngày mai là COVID-19 lại đạt tới những cột mốc mới. Có nghĩa là chỉ trong có 4-5 ngày!

Coi trên biểu đồ về tổng số nhiễm và tử vong của thế giới, chúng ta thấy đường biểu diễn đang vọt thẳng lên trời. Bao giờ thì dịch này đạt đỉnh? Nhưng đỉnh là bao nhiêu?

Điều đáng sợ hơn cả là trên toàn cầu chỉ còn một số đã cực ít mà ngày càng ít đi những nước chưa phát hiện người nhiễm virus. Có nghĩa là dịch COVID-19 giờ đã là cuộc chiến cuộc toàn cầu. Không có một cuộc đại chiến thế giới nào trong lịch sử loài người lại xảy ra với quy mô như thế này. Các trận đại dịch trước đây cũng phải gọi ả Cô Vi Dưới 19 tuổi là “đại sư mẫu”. Có thể do ngày nay người toàn cầu đi lại tung tăng dễ dàng hơn xưa bội lần, tha hồ cõng theo virus xuất ngoại. Kể từ ngày 26-2-2020, số ca nhiễm mới bên ngoài đại lục Trung Quốc bắt đầu vượt qua đại lục (459 ca so với 412 ca). Vào ngày 26-2-2020 đó, tổng số nhiễm ở thế giới bên ngoài đại lục Trung Quốc chiếm 4,46% (3.667 ca) của tổng ca nhiễm toàn cầu và đại lục Trung Quốc chiếm 95,54% (78.499 ca).

Từ đó trở đi, cuộc chiến coi như là của thế giới bên ngoài Trung Quốc. Ngày 14-3-2020, tổng số nhiễm ở thế giới bên ngoài chiếm 48,46% (76.010 ca) và đại lục Trung Quốc chiếm 51,54% (80.849 ca).

Ngày 15-3-2020, thế cuộc thay đổi, tổng số nhiễm ở thế giới bên ngoài bắt đầu nhiều hơn, chiếm 52,33% (88.750 ca) và đại lục Trung Quốc chiếm 47,67% (80.860 ca).

Và vào ngày 20-3-2020, tổng số nhiễm ở thế giới bên ngoài chiếm 70,66% (195.096 ca) và đại lục Trung Quốc chiếm 29,34% (81.008 ca).

Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc báo cáo trong 3 ngày qua (18 tới 20-3-2020), tỉnh Hubei (bao gồm tâm dịch Wuhan) không phát hiện ca nhiễm nào mới sau 2 ngày trước chỉ có 1 ca nhiễm mới mỗi ngày. Kể từ ngày 5-3-2020, số ca nhiễm mới ở tỉnh Hubei chỉ có ở thành phố Wuhan, và từ ngày 8-3 chỉ tăng với 1 chữ số. Tổng thổng Mỹ Donald Trump vừa nói ông hoài nghi về số liệu của Trung Quốc, nhưng ông muốn tin đó là sự thật. Vì tâm hỏa hoạn có ổn, hết cháy thì mọi người bên ngoài mới có thể toàn lực dập lửa ở nhà mình.

Có thể nói, nếu Trung Quốc phải chịu trách nhiệm trước toàn cầu vì sự giấu giếm dịch bệnh (Bắc Kinh có thể phân bua là do địa phương – và họ đã cách chức Bí thư Tỉnh ủy Hubei – tâm dịch) khiến dịch bệnh bùng phát nhanh chóng và dữ dội, nhất là thế giới mất giai đoạn vàng để chuẩn bị và phòng tránh. Nhưng cũng phải quy trách nhiệm cho Châu Âu và một vài nước ở châu lục khác (như Hàn Quốc, Iran) đã làm toang cả thế giới bên ngoài vì sự khinh suất, coi thường, chủ quan đối với dịch novel coronavirus chủng mới hoàn toàn xa lạ và cực kỳ quỷ quyệt, nguy hiểm này. Mà thôi, đó là chuyện hạ hồi phân giải, sợi dây kinh nghiệm còn phải rút dài dài. Còn bây giờ, cả thế giới phải cùng nhau đồng lòng chiến đấu sống mái với kẻ thù chung: novel coronavirus.

Xin được vài dòng riêng tư. Tôi cảm thấy mình bị ức chế và thiệt hại nặng khi cô hàng xóm giờ bắt phải đeo khẩu trang multi lớp mỗi khi tiếp xúc. Nó còn tệ hơn cả cái hạn “2 lớp có cánh hoàn toàn an tâm”. Chán và hận! Ghét ghê vậy đó!

PHẠM HỒNG PHƯỚC