Thứ Sáu ngày 03 tháng 1 năm 2025

Thứ Sáu Tuần Thánh giữ chay kiêng thịt

Hôm nay 10-4-2020 là thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday) trong Tuần Thánh (Holy Week) mừng lễ Phục sinh (Easter) của người theo đạo Thiên chúa. Và lần đầu tiên trong lịch sử đương đại, do đang cao điểm dịch bệnh COVID-19 đang tấn công toàn cầu, các nghi lễ Phục sinh tại nhiều nước không được cử hành có cộng đồng giáo dân như bình thường. Các nghi thức và thánh lễ đều được cử hành online trên Internet do giáo dân dự từ nhà mình.

Cậu bạn Việt Linh nửa khuya chia sẻ tấm ảnh ai đó sợ quên thứ Sáu Tuần Thánh là ngày giữ Chay bèn ghi lên bàn tay. Nhưng có vẻ kém an toàn khi trong thời đại dịch COVID-19, mọi người được các nhà chuyên môn khuyến cáo phải thường xuyên rửa tay bằng xà bông hay gel sát khuẩn nhiều lần trong ngày. Nhắc nhớ trên lòng bàn tay như vầy có lẽ chỉ sống sót nếu dùng mực không phai permanent ink.

Mấy tuần trước, vào dịp lễ Tro, Tổng giáo phận Sài Gòn TP.HCM thông báo các xứ đạo khi cử hành lễ thứ Sáu Tuần Thánh trong thời đại dịch sẽ không thực hiện nghi thức hôn kính chân Chúa Jesus như bình thường mà chỉ bái lạy để tránh lây nhiễm virus. Rồi cuối cùng tình hình dịch bệnh trầm trọng tới mức không còn có thể cử hành thánh lễ có cộng đoàn nữa. Mọi giáo dân được khuyến nghị dự lễ online và cùng hiệp thông ngay trong giờ live streaming – nghĩa là dự lễ ở nhà nhưng giống như đang ở ngay nhà thờ khi hiệp cùng lúc với chủ tế đang hành lễ.

Ngày nay, các tín hữu Công giáo Vatican mỗi năm chỉ giữ Chay 2 ngày: thứ Tư lễ Tro (Ash Wednesday) bắt đầu Mùa Chay (Lent) 40 ngày và thứ Sáu Tuần Thánh trong Tam nhật Vượt qua. Giữ Chay kiêng thịt chớ không phải ăn Chay. Bởi ngoài việc kiêng ăn các loại thịt (vẫn được ăn thủy hải sản và trứng gia cầm), tín hữu còn phải giữ chay không được ăn gì thêm ngoài 3 bữa trong ngày (trong đó có 2 bữa ăn lưng lửng và 1 bữa ăn no bình thường). Cũng không được uống gì ngoài nước lã. Người từ 14 tuổi đến mãn đời phải kiêng thịt. Người từ 18 tuổi đến hết 59 tuổi phải giữ chay. Và Giáo hội có miễn giữ chay kiêng thịt cho những người bệnh cần giữ sức khỏe, phụ nữ đang mang thai hay cho con bú sữa mẹ hay người làm những công việc đặc biệt, việc nặng nhọc cần bảo đảm sức khỏe. Thậm chí khi cần, đấng giáo quyền có thể cho phép thay giữ chay kiêng thịt bằng một việc làm nào đó mang tính chay tịnh, hãm mình chiến thắng bản thân.

PHẠM HỒNG PHƯỚC