Cô Vi và chuyện sắm máy xét nghiệm virus
Báo Người Lao Động đồ thị hóa giá máy xét nghiệm Realtime PCR mà các tỉnh thành đã mua. Nhóm Y tế Cộng đồng cũng tổng hợp lại giá máy mà các tỉnh báo cáo. Đành rằng mỗi model, mỗi thương hiệu và mỗi thời điểm mua có giá khác nhau. Nhưng cách biệt nhiều tỷ đồng thì dễ khiến người ta đặt dấu hỏi. Chẳng hạn máy rẻ nhất giá 950 triệu và cao nhất 10 tỷ đồng.
Việc khui “ổ dịch” CDC Hà Nội đã tạo hiệu ứng khui hầm cả nước – có thể gọi là cháy lan không? Nhưng nó cũng cho thấy có những địa phương biết liệu cơm gắp mắm, tận dụng máy cũ. Đặc biệt, vụ án CDC Hà Nội tạo ra những tình huống lạ thường trong kinh doanh. Như đã mua rồi giờ lại có thể đàm phán lại giảm giá. Như có những doanh nghiệp “hào phóng” cho ngành y tế địa phương mượn máy bạc tỷ, thậm chí tới 10 tỷ cũng dám cho mượn. Máy xài rồi sau này bán cho ai?
Các chuyên gia thế giới nhận định rằng Cô Vi sẽ làm thay đổi mọi thứ trên cả hành tinh này, thậm chí thay đổi cả nhận thức và lối sống cũng như cách quản lý từ doanh nghiệp tới quốc gia. Và hơn thế nữa, Cô Vi sẽ làm lồ thị lộ ra nhiều thứ bao lâu nay hóa ra chỉ là ảo, là giả tạo, hay bị che giấu quá tinh vi. Ngay cả năng lực điều hành của lãnh đạo từ doanh nghiệp, tổ chức tới địa phương, quốc gia. Cô Vi cũng khiến mọi người nhận ra chân tướng, bộ mặt thật của nhau – thậm chí của nhà cầm quyền một nước nào đó. Và Cô Vi cũng cho thấy một chân lý: mọi người đều bình đẳng trước… virus!
Có lẽ sau đại dịch, thế giới sẽ có mốc thời gian mới: trước Cô Vi và sau Cô Vi. Thế giới và nhân loại chắc chắn sẽ thay đổi khác trước. Chỉ hy vọng đó là một sự thanh lọc cho tốt đẹp hơn, sống thật hơn. Sau tai ương, hoạn nạn, những người sống sót thường mới biết yêu cuộc sống hơn, yêu người và yêu đời hơn. Tôi sẽ chọn thay đổi bằng hành động thiết thực: yêu cô hàng xóm nhiều hơn!
P.H.P.