Thứ Sáu ngày 08 tháng 11 năm 2024

CẬP NHẬT về dịch Wuhan COVID-19 ngày 30-4-2020

Theo số liệu của trang Worldometer ngày 30-4-2020, cả thế giới đã có 3.219.242 người nhiễm virus (tăng từ 3.136.232 người ngày hôm trước), trong đó có 59.808 người (so với 56.970 người hôm trước) trong tình trạng nặng hay nguy kịch, chiếm 3% trong tổng số đang điều trị tại 210 nước và vùng lãnh thổ. Có 223.561 người chết (tăng từ 217.799 người ngày hôm trước), trong đó 4.633 người ở đại lục Trung Quốc.

Thế giới trải qua một ngày 29-4-2020 với số người nhiễm và chết vẫn ở mức rất cao, có thêm 81.678 ca nhiễm mới (so với 76.262 của ngày hôm trước) và thêm 6.593 người chết (so với 6.688 ca của ngày hôm trước).

Cả thế giới tới nay chỉ còn 2 nước Châu Phi (Comoros và Lesotho), 3 nước Châu Á (North Korea, Tajikistan, và Turkmenistan) và 10 nước Châu Đại dương (Kiribati, Marshall Islands, Micronesia, Nauru, Palau, Samoa, Solomon Islands, Tonga, Tuvalu, Vanuatu) là chưa có báo cáo ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nào.

Ngày 30-4, thế giới đã có 210 nước và vùng lãnh thổ có người nhiễm novel coronavirus (SARS-CoV-2) với tổng cộng đến nay có 3.219.242 người nhiễm virus SARS-CoV-2, so với 3.136.232 của ngày hôm trước (1.990.935 người đang điều trị – active cases; trong đó có 59.808 người trong tình trạng nặng hay nguy kịch, chiếm 3% tổng số đang điều trị). Cho tới nay có 3.136.380 người ở bên ngoài đại lục Trung Quốc đã bị nhiễm coronavirus (chiếm 97,42% tổng nhiễm toàn cầu).

Tình hình hiện nay là so với tổng số nhiễm, tỷ lệ người chết ngày càng tăng dần trong khi tỷ lệ người khỏi bệnh cũng tăng dần. Sáng 30-4 ghi nhận có 228.194 người chết (chiếm 7,08% so với tổng nhiễm); và 1.000.113 người đã được khỏi bệnh (chiếm 31,06% so với tổng nhiễm). Cho tới nay có 223.561 người ở hơn 165 nước và vùng lãnh thổ bên ngoài đại lục Trung Quốc đã bị chết vì coronavirus (chiếm 97,96% tổng tử vong toàn cầu).

Bà đứng trên bancông nhìn xuống, còn cháu và mẹ đứng bên dưới ngó lên. Cảnh thăm nhau ở Rome (Ý) trong thời đại dịch coronavirus. (Ảnh: Luciano Del Castillo/EPA, via Shutterstock/ NYT/ Internet. Thanks.)

+ ĐÔNG NAM Á: Ngày 30-4 có 5 nước có số ca nhiễm từ 1.000 người trở lên (Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan), trong đó Singapore vượt mốc 15.000 người, Indonesia vượt mốc 10.000 người, Philippines vượt mốc 8.000 người, Malaysia vượt mốc 5.000 người.

  • Indonesia 273 triệu dân có 10.118 người nhiễm, và 792 người chết.
  • Malaysia 32 triệu dân có 5.945 người nhiễm, và 100 người chết
  • Philippines 109 triệu dân có 8.212 người nhiễm, và 558 người chết.
  • Singapore gần 6 triệu dân có 15.641 người nhiễm, và 14 người chết. Từ ngày 16-4 tới nay, mỗi ngày Singapore có hơn 500 ca nhiễm mới, trong đó có 4 ngày hơn 1.000 ca nhiễm mới, kỷ lục là ngày 20-4 tăng tới 1.426 ca nhiễm. Ghi nhận từ ngày 15-2-2020 với 72 ca nhiễm, tới ngày 1-4, Singapore đạt mốc 1.000 ca, tới ngày 17-4 vượt mốc 5.000 ca, tới ngày 22-4 vượt mốc 10.000 ca và tới ngày 29-4 vượt mốc 15.000 ca nhiễm. Singapore cho tới nay tiếp tục thành công trong việc giữ cho số tử vong ở mức thấp.
  • Thái Lan gần 70 triệu dân có 2.947 người nhiễm, và 54 người chết.

+ MỸ: Nước Mỹ 328 triệu dân ngày 30-4-2020 vẫn đang đứng đầu thế giới về số ca nhiễm (1.064.194 người, tăng 28.429 người so với hôm trước) và về ca tử vong (61.656 người, tăng 2.390 người trong ngày 29-4). Mỹ hiện có số ca nhiễm virus chiếm 33,12% tổng ca nhiễm toàn cầu. Suốt từ ngày 31-3 tới nay, mỗi ngày Mỹ có thêm hơn 1.000 người chết, trong đó có 15 ngày có số người chết trên 2.000 người/ngày. Mỹ đã có 147.411 ca khỏi bệnh và đang phải điều trị 855.127 người. Số bệnh nhân đang điều trị từ giữa tháng 3-2020 (ngày 15-3 có 3.484 bệnh nhân) bắt đầu tăng mạnh liên tục từng ngày. Trong 50 tiểu bang, có 20 bang có từ 10.000 người nhiễm trở lên. Bang New York hiện là tâm dịch với 206.158 người nhiễm  và 23.474 người chết. Bang New Jersey thứ 2 có 116.264 người nhiễm và 6.770 người chết. Bang Massachusetts thứ 3 với 60.265 người nhiễm và 3.405 người chết. Có 13 bang có số người nhiễm từ 20.000 trở lên. Có 13 bang có số người chết từ 1.000 người trở lên. Mỹ hiện là nước có số xét nghiệm lớn nhất thế giới, theo Johns Hopkins University tới ngày 30-4 là 6.026.170 mẫu xét nghệm (trung bình mỗi ngày Mỹ tiến hành khoảng 150.000 ca xét nghiệm).

Ngày 14-4, số ca tử vong của Mỹ tăng vọt do có sự thay đổi số liệu của thành phố New York. Sự thay đổi số liệu theo hướng tăng lên này là do cách định nghĩa mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC) Mỹ về người chết vì novel coronavirus. Theo hướng dẫn mới của CDC: “Kể từ ngày 14-4-2020, số ca bệnh (case) và số tử vong trong thống kê của CDC bao gồm cả các ca bệnh và tử vong được xác nhận lẫn các ca bệnh và tử vong có thể xảy ra (confirmed and probable cases and deaths). Thay đổi này được thực hiện để phản ánh tuyên bố về vị thế COVID-19 tạm thời do Hội đồng các nhà dịch tễ học lãnh thổ và tiểu bang (Council for State and Territorial Epidemiologists) ban hành vào ngày 5-4-2020. Tuyên bố vị thế này bao gồm định nghĩa về ca bệnh và làm cho COVID-19 trở thành một căn bệnh đáng chú ý trên toàn quốc (a nationally notifiable disease).

Vì thế, theo quy định mới, vào ngày 14-4, Thành phố New York đã báo cáo thêm 3.778 trường hợp tử vong xảy ra kể từ ngày 11-3 và được phân loại là “có thể xảy ra” (probable), được định nghĩa như sau: Người chết không có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 ( COVID-19) nhưng giấy chứng tử liệt kê nguyên nhân tử vong là do COVID-19, hoặc một “bệnh tương đương”. Từ ngày 14-4 trở đi, Thành phố New York đã cung cấp – và sẽ tiếp tục cung cấp – số lượng tử vong có thể xảy ra (probable death) được cập nhật trong các báo cáo hàng ngày.

+ TÂY BAN NHA: Tây Ban Nha đang có xu hướng giảm dần thấy rõ từ ngày 3-4 tới nay về số người chết hàng ngày và từ ngày 9-4 về số người nhiễm mới hàng ngày. Tây Ban Nha 47 triệu dân ngày 30-4 có 239.639 người nhiễm (ngày 29-4 tăng thêm 4.771 người) và 24.543 người tử vong (tăng 453 người); có 137.984 người khỏi bệnh và 77.112 người đang điều trị. Tây Ban Nha hiện đứng thứ 2 thế giới về số ca nhiễm và thứ 4 về số người chết. Số bệnh nhân đang điều trị sau cao điểm ngày 23-4 với 100.106 ca đã bắt đầu giảm mạnh.

+ ĐỨC: Đức 83 triệu dân ngày 30-4 có 161.985 ca nhiễm (tăng 1.627 trong ngày 29-4) và 6.504 ca tử vong (tăng 153); có 123.500 người khỏi bệnh và 31.381 người đang điều trị. Đức hiện đứng thứ 6 thế giới về số ca nhiễm. Số bệnh nhân đang điều trị sau cao điểm ngày 6-4 với 72.865 ca đã bắt đầu giảm mạnh.

+ Ý: Ý cũng cho thấy có xu hướng giảm dần. Ý 60 triệu dân sáng 30-4 ghi nhận tổng cộng có 203.591 người nhiễm (tăng 2.086 người trong ngày 29-4); và 27.682 người chết (tăng 323); có 71.252 người khỏi bệnh và đang điều trị 104.657 người. Ý hiện đứng thứ 3 thế giới về số ca nhiễm và thứ 2 về số người chết. Số bệnh nhân đang điều trị sau cao điểm ngày 20-4 với 108.237 ca đã bắt đầu giảm dần, tuy giảm rất nhẹ.

+ PHÁP: Pháp đang có xu hướng giảm dần về số ca nhiễm mới (từ ngày 7-4) và ca tử vong mới (từ ngày 10-4). Pháp 67 triệu dân ngày 30-4 có 166.420 ca nhiễm (tăng 509 người trong ngày 29-4) và 24.087 người chết (tăng 427 người); có 48.228 người khỏi bệnh, đang điều trị 94.105 người. Pháp hiện đứng thứ 4 thế giới về số ca nhiễm và thứ 5 về số người chết. Ngày 16-4, một lần nữa Pháp cộng thêm số người bệnh trong bênh viện trước đây không tính vào số bệnh nhân COVID-19 là 11.060 người. Trước đó, trong 2 ngày 2 và 3-4 Pháp liên tục báo cáo thêm các ca nhiễm và tử vong trong những tuần trước đó mà họ chưa đưa vào thống kê. Về ngày 2-4, Pháp giải thích số tử vong bổ sung đó có những người trong các nhà dưỡng lão mà trước đó Pháp coi như các bệnh nhân chết trong bệnh viện mà thôi. Cũng vì lý do bổ sung gộp mà số ca bệnh ngày 3-4 tăng vọt kỷ lục từ 2.116 người hôm trước lên 23.060 người (gấp hơn 10 lần). Lý do là Pháp bổ sung thêm 17.827 ca bệnh nữa mà trước đây chưa tính. Số bệnh nhân đang điều trị cao điểm ngày 28-4 với 95.365 ca sang ngày 29-4 có giảm nhưn rất nhẹ.

+ ANH: Vương quốc Anh 67 triệu dân ngày 16-4 đã vào nhóm nước có từ 100.000 người mắc bệnh COVID-19 trở lên. Ngày 30-4, nước Anh có 165.221 ca nhiễm (tăng thêm 4.076 người trong ngày 29-4) và 26.097 người chết (tăng 795 người); không có số liệu về số người khỏi bệnh; đang điều trị 138.780 người bệnh. Anh hiện thứ 5 thế giới về số ca nhiễm và thứ 3 về số người chết. Anh vẫn đang ở cao trào đại dịch.

+ NGA: Nga 145 triệu dân hiện là một điểm nóng đại dịch ở Châu Âu. Nga ngày 30-4 đã vào nhóm nước có từ 100.000 người mắc bệnh COVID-19 trở lên. Ngày 30-4, nước Nga có 106.498 ca nhiễm (tăng thêm 5.841 người trong ngày 29-4) và 1.073 người chết (tăng kỷ lục 105 người); có 11.619 người khỏi bệnh; đang điều trị 93.806 người bệnh. Nga hiện thứ 8 thế giới về số ca nhiễm. Từ đầu tháng 4-2020 tới nay, Nga có nhiều ngày có kỷ lục mới về số tử vong. Từ 17-4-2020 đến nay mỗi ngày có hơn 4.000 người nhiễm mới.

+ TRUNG QUỐC: Ở đại lục Trung Quốc, theo ghi nhận của Worldometer từ báo cáo của Beijing, hết ngày 29-4-2020 có 82.862 người nhiễm (tăng 4 người so với hôm trước), có 4.633 người chết (trong mấy tuần qua không báo thay đổi số người chết); có 77.610 bệnh nhân đã khỏi bệnh và hiện chỉ còn 619 bệnh nhân phải điều trị. Ngày 16-4-2020, thành phố Wuhan – tâm bùng phát đại dịch – đã điều chỉnh lại số trường hợp tử vong vì coronavirus. Thêm 1.290 người chết nữa thành tổng cộng 3.869 người – nghĩa là vọt cái tăng thêm 50%. Họ giải thích là do trước đây có sai lầm trong ghi nhận và báo cáo, cũng như do cơ sở y tế bị quá tải, bất cập nên không thống kê được. Và vì thế mà số tử vong vì COVID-19 của Trung Quốc từ 3.342 người vọt lên thành 4.632 người vào ngày 17-4. Số liệu từ Trung Quốc từ trung tuần tháng 4-2020 thường rối rắm, mờ ảo.

Hiện có 210 nước và vùng lãnh thổ có người mắc bệnh COVID-19 (thế giới có 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc). Cho tới hôm nay, toàn bộ 35 nước Châu Mỹ và 49 nước Châu Âu đều có coronavirus. Chỉ còn 3 nước Châu Á (North Korea, Tajikistan, Turkmenistan); 2 nước Châu Phi (Comoros và Lesotho) và 10 nước Châu Đại dương là chưa có báo cáo ca nhiễm nào.

Ngày 30-4, có 8 nước có từ 100.000 ca nhiễm trở lên gồm Mỹ (1.066.885/ hôm trước 1.035.765), Tây Ban Nha (239.639/ 232.138), Ý (203.591/ 201.505), Pháp (166.420/ 165.911), Anh (165.221/ 161.145), Đức (161.985/ 160.059), Thổ Nhĩ Kỳ (117.589/ 114.653), và Nga (106.498/ 99.399). Có 37 nước (Áo, Anh, Ấn Độ, Ba Lan, Belerus, Bỉ, Bồ Đào Nha, Brazil, Canada, Chile, Đức, Ecuador, Hà Lan, Hàn Quốc, Indonesia, Iran, Ireland, Israel, Mexico, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Pakistan, Peru, Pháp, Qatar, Romania, Saudi Arabia, Singapore, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Trung Quốc, UAE, Ukraine, và Ý) có số người nhiễm từ 10.000 trở lên. Có 50 nước có số ca nhiễm từ 5.000 trở lên.

Xin mời đọc thêm thông tin trên MediaOnline.