Thứ Bảy ngày 09 tháng 11 năm 2024

Chiều nay có một loài hoa vỡ…

Anh bạn của tôi lại có thêm một bài viết nữa về tình ca Việt Nam. Lần này là về tình ca miền Nam Việt Nam trong giai đoạn thập niên 1960 và 1970 (tới 1975).

Đó là thời kỳ chiến cuộc leo thang tiến dần tới đỉnh điểm. Đặc biệt là trong 3-4 năm trước biến cố 1975. Lúc đó tình hình chiến tranh khốc liệt tới mức VNCH buộc phải đôn quân, gọi nhập ngũ cả nam thanh niên 17 tuổi. Tôi sống ở một tỉnh biên giới giáp Cambodia giữa vùng trũng Đồng Tháp Mười chảo lửa chiến tranh miền Tây Nam bộ. Mỗi sáng khi gặp nhau ở quán cà phê, người ta mới biết là mình và bạn bè vừa được sống thêm một ngày mới. Nhưng có thể sẽ không trọn một ngày nữa vì có pháo kích cả ban ngày chứ không chỉ ban đêm như trước. Đã có những bạn bè chết trên tay tôi vì bom đạn giữa phố thị.

Trong cảnh sống nay chết mai, thậm chí không biết có thể chết lúc nào, cuộc sống xã hội thay đổi, gấp rút, theo thuyết hiện sinh, yêu cuồng sống vội.

Đó là lý do mà tình ca 60-70 cũng thay đổi “vun vút” (như lời tác giả). Sở dĩ đại đa số các bản nhạc tiền chiến và ở Sài Gòn trước 1975 trở thành tình ca muôn thuở, cho tới nay vẫn thịnh hành và làm rung động cả các thế hệ hậu chiến, thế hệ đương đại, chủ yếu là vì các nhạc sĩ viết bằng chính những cảm xúc, những rung động của tâm hồn mình và tả thực chính cuộc sống xã hội. Mà phàm cái gì xuất phát bằng trái tim mới dễ đi tới trái tim người khác. Và cái gì chân thực, không giả dối, huyễn hoặc mới có giá trị lâu dài. (Tất nhiên có những lý do nữa mà tôi không tiện nói ở đây.)

Có lẽ những ai sống cùng thời cùng môi trường với anh bạn mới có thể cảm nhận được hết những tâm sự của anh. Nhưng những người khác vẫn có thể đọc để hiểu thêm một giai đoạn của âm nhạc Việt Nam, thậm chí có thể hình dung thêm về cuộc sống xã hội thời đó. Còn với tôi, anh bạn đã nói giùm tôi.

Xin phép được chia sẻ cùng các bạn.

Chiều nay có một loài hoa vỡ…

PHẠM HỒNG PHƯỚC