Thứ Tư ngày 27 tháng 11 năm 2024

Tháng Năm ngày dài đêm ngắn

“Tháng Năm chưa nằm đã sáng,

Tháng Mười chưa cười đã tối.”

Tục ngữ Việt Nam ta có câu như vậy.

Và những người “thức khuya, dậy… trễ” như tôi rất ghét những ngày tháng 5 và đầu tháng 6. Buổi sáng giựt mình thức dậy, thấy nắng ùa vào phòng ngủ sáng choang, hốt hoảng tưởng mình bị trễ cuộc hẹn hư vô nào đó, chừng liếc lên màn hình chiếc phone mới thấy còn quá sớm. Vậy là lâm cảnh tiến thoái lưỡng nan, ngủ tiếp cũng dở, mà thức cũng không xong. Mần gì chơi ta…

Mà nghĩ cha ông ta cũng thiệt tài khi tổng kết một hiện tượng địa lý tự nhiên và thiên văn học một cách rất văn vẻ và dễ như không. Hiện tượng này do cái sự Trái đất tự quay chung quanh mình với trục nghiêng trong khi chuyển động quanh Mặt trời mà ra. Vào thời điểm giữa năm (mùa hè) này, do Bắc Bán cầu nghiêng hẳn về phía Mặt trời nên hưởng nhiều ánh nắng hơn để dẫn tới hiện tượng ngày dài hơn đêm (trong khi ở Nam Bán cầu là ngược lại). Và ngày 22-6 (Hạ chí) hàng năm được coi là ngày có ánh nắng dài nhất.

Bởi Việt Nam ở Bắc Bán cầu, tôi mới bị cái hiện tượng ngày dài đêm ngắn nó hành vào mỗi độ giữa năm.

(Ảnh: Internet. Thanks.)

Rồi tới thời điểm gần cuối năm, do trục Trái đất hướng Bắc Bán cầu chếch xa Mặt trời hơn nên xảy ra hiện tượng ngày ngắn đêm dài, bữa cao điểm Đông chí (ngày 21-12) “địa” cô hàng xóm chưa kịp cười duyên đã sụp tối khiến đầu óc đê mê mà nghĩ lung tung tới tắt đèn nhà ngói cũng như nhà tranh.  

PHẠM HỒNG PHƯỚC