Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Nhà báo trên mạng xã hội

Trong ngày Nhà báo 2020, thiên hạ nói nhiều về chuyện nhà báo chơi mạng xã hội. Và thiệt tình là tôi đau nhứt khi có người viện dẫn cụm từ “lưu manh báo chí” để chỉ những “nhà báo” quậy phá, lợi dụng mạng xã hội cho mục đích cá nhân, nhiều nhất trục lợi. Thiệt sự thì cộng đồng nào, ngành nghề nào cũng có người tốt, kẻ xấu. Nhưng với những nghề đặc thù như nghề báo, đặc biệt là ở Việt Nam – nơi chỉ có báo của nhà nước, suy ra nhà báo đều là viên chức nhà nước – nhà báo có xấu xí, có tiêu cực chẳng ai cãi, chỉ hiềm nói là “nhà báo lưu manh” thì nặng quá. Bản thân người làm báo ở Việt Nam đã phải tuân thủ 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam (áp dụng từ ngày 1-1-2017 cùng với Luật Báo chí). Nếu đã tới mức độ để bị gọi là “lưu manh” thì họ không còn là nhà báo nữa, mà thậm chí có thể là đối tượng của pháp luật.

Tôi thì nghĩ rằng, những người mang danh nhà báo để làm những chuyện “lưu manh” trên mạng chỉ là những người có viết báo chi đó thôi. Mà nhà báo và người viết báo là hai khái niệm khác nhau nhưng dễ bị lẫn lộn.

Ngoài ra, tôi nghĩ: nếu có chăng thì chỉ có “nhà báo lưu manh” chớ hỗng lẽ nào tồn tại được cả một nền “báo chí lưu manh”.

Trong ngày Nhà báo, tôi có viết trên báo Người Lao Động Chủ nhật 21-6-2020 một số tâm sự 0 giờ khuya. Xin phép chia sẻ cùng các bạn.

Chiềng làng rằng…

CƯ DÂN MẠNG:

Nhà báo trên mạng xã hội

Có một người bạn hỏi tôi: nhà báo chơi mạng xã hội có gì khác với những người khác trên mạng? Một câu hỏi lý thú mà đau đầu. Nhưng nếu phải trả lời ngắn gọn, tôi nói rằng: Nhà báo khác mọi người khác trên mạng ở chỗ mình là nhà báo.

Đó chính là điều mà xã hội cần và ngay cả môi trường mạng xã hội cũng cần. Nhưng lại chẳng có gì khó khăn và cao siêu đâu. Chỉ cần nhà báo khi lên mạng xã hội ý thức được và làm đúng vai trò của một nhà báo. Dĩ nhiên, ở đây ta không đề cập tới những người làm báo lên mạng xã hội với tư cách cá nhân, không liên quan gì tới nghề nghiệp, và số lượng này không hề nhỏ.

Tất nhiên, khi một nhà báo lên mạng xã hội một cách bình thường như mọi người khác thì cũng là chuyện bình thường. Mạng xã hội là sân chơi của tất cả mọi người, và nhà báo cũng chỉ là những con người có những nhu cầu như mọi người.

Nhưng vì sao lại nói mạng xã hội cần có các nhà báo? Vì với vai trò của mình, người truyền bá thông tin và hướng dẫn dư luận, nhà báo chính trực có thể làm cho mạng xã hội thêm chất lượng và tốt lành hơn. Nó đặc biệt quan trọng khi lâu nay người ta vẫn nhìn mạng xã hội như một chốn hỗn mang, mạnh ai nấy nói, mạnh ai nấy truyền bá thông điệp của mình với thuộc tính 9 người 10 ý và ai cũng cố gồng mình để cho rằng mình là đúng nhất.

Rõ ràng là cứ nhìn trên mạng, các nhà báo chân chính luôn thể hiện vai trò của mình là một nhà báo trên mạng xã hội. Mạng xã hội như một cánh tay nối dài cho nhà báo thực hiện vai trò của mình. Họ cố gắng đưa thông tin chính thống, thông tin đúng đắn để chống lại các tin tức giả (fakenews) và các thông tin độc hại. Và họ luôn quan tâm giữ hình ảnh, vị thế của mình trong từng status, từng post để không ảnh hưởng tới sức lan tỏa và uy tín của mình.

Điều đáng mừng là ngày càng có thêm nhiều người dùng mạng chọn các nhà báo trên mạng để làm nơi nắm bắt và kiểm chứng thông tin.

Từ đó, suy ra, nếu có thể được, các nhà báo nên tham gia mạng xã hội với tư cách nhà báo của mình. Và làm bất cứ điều gì trên mạng, các nhà báo chân chính cũng đều luôn ý thức mình là nhà báo chứ không phải như mọi công dân mạng bình thường.

Có một thực tế: nhà báo xấu xí sẽ làm xấu, làm hại cho mạng xã hội nhiều hơn bội lần những người chơi mạng bình thường. Bởi họ là nhà báo!

PHẠM HỒNG PHƯỚC